CẢM ƠN BẠN ĐÃ ĐẶT CÂU HỎI
WE WILL ANSWER
AS SOON AS POSSIBLE
NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
1. Con trai tôi rất thích uống sữa đậu nành, nhưng tôi nghe một số người nói đậu nành không tốt cho bé trai, uống nhiều có thể gây vô sinh, ảnh hưởng sinh lí của trẻ sau này? Điều này có đúng không?
Đậu nành là thực phẩm lành tính, tốt cho sức khỏe con người vì giàu chất dinh dưỡng, có giá trị cao. Các nước châu Á đã sử dụng đậu nành từ nhiều thế kỷ nay và tỉ lệ sinh sản vẫn không phải là vấn đề gì so với các nước khác. Nhật Bản là nơi có những nghiên cứu sâu rộng và toàn diện nhằm xem xét liệu việc sử dụng đậu nành có ảnh hưởng đến nội tiết tố hay khả năng sinh sản của nam giới. Theo báo cáo của Tiến sĩ Bác sĩ Chisato Nagata, nam giới Nhật sử dụng đậu nành từ lúc 6 tháng tuổi trở lên và đến suốt đời với lượng tiêu thụ từ 33,3g đến 79g với lượng tiêu thụ Isoflavones trung vị là 18mg/ngày[1]. Theo các nghiên cứu cắt ngang về huyết thanh trên đàn ông Nhật, Isoflavones không ảnh hưởng đến nồng độ testosterone và chất lượng tinh trùng của họ. Một nghiên cứu năm 2002 trên 1.559 đàn ông Nhật từ 18-24 tuổi so sánh chất lượng tinh dịch của đàn ông nước này với Đan Mạch[2][3]. Các dữ liệu cho thấy, chất lượng tinh dịch, mật độ tinh trùng, tổng số tinh trùng, tinh trùng di động của nam giới hai nước đều tương đương nhau. Xét về khả năng sinh sản, đàn ông Nhật Bản cũng tương đương đàn ông Hoa Kỳ. Những nghiên cứu khoa học và tình hình thực tiễn đã cho thấy đậu nành không ảnh hưởng gì đến sinh lý của trẻ[4]. Việc bé trai uống sữa đậu nành không chỉ tốt cho sức khỏe hiện tại vì bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cho sự phát triển của bé mà còn tốt cho sức khỏe lâu dài nhờ khả năng phòng ngừa các bệnh thời đại.<br> Nguồn: www.daunanhdinhduonglanh.vn
2. Sữa đậu nành đóng hộp của Vinasoy có dùng chất bảo quản không?
Các sản phẩm sữa đậu nành đóng hộp của Vinasoy được sản xuất bởi công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới với thiết bị đồng bộ, khép kín và hoàn toàn tự động từ khâu nhập liệu đến đóng gói thành phẩm của Tập đoàn Tetra Pak (Thụy Điển). Nhờ công nghệ tiệt trùng UHT và đóng gói trong điều kiện vô trùng cũng như cấu trúc bao bì 6 lớp đặc biệt giúp ngăn chặn sự xâm nhập của các loại vi khuẩn bên ngoài môi trường nên các sản phẩm của Vinasoy không cần dùng đến chất bảo quản nhưng vẫn bảo đảm nguồn dinh dưỡng cũng như hương vị thơm ngon từ hạt đậu nành được gìn giữ và bảo toàn nguyên vẹn trong vòng 6 tháng.
3. Có người bảo hoạt chất Isoflavones có trong đậu nành làm giảm nồng độ tinh trùng, số lượng tinh trùng…Không biết điều này có đúng không?
Tin đồn về đậu nành ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nam giới khiến rất nhiều người hoang mang không sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc từ đậu nành. Dựa trên các nghiên cứu khoa học được thực hiện bởi các Trung tâm nghiên cứu tại Hoa Kỳ và Canada, các nhà khoa học am tường về đậu nành đã khẳng định: “Từ góc độ khoa học, tin đồn ảnh hưởng của đậu nành đến sức khỏe nam giới xuất phát từ việc đậu nành có chứa Isoflavones – một chất chống oxy hóa có tác dụng duy trì vẻ đẹp của dáng vóc và làn da của phụ nữ. Isoflavones còn gọi là phytoestrogen, có cấu trúc tương tự estrogen nhưng thực tế không phải là estrogen. Trong 48 nghiên cứu khoa học, số liệu lâm sàng cho thấy không có tác động nào đối với testosterone tự do hoặc toàn phần (36 nghiên cứu), nồng độ estrogen lưu hành (9 nghiên cứu), thông số tinh trùng/tinh dịch (3 nghiên cứu). Vì vậy, tin đậu nành khiến nam giới bị “nữ tính hóa” là hoàn toàn không có cơ sở. Đậu nành không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nam giớido đạm đậu nành và Isoflavones không ảnh hưởng tới nội tiết tố sinh sản của nam giới, không gây nữ tính trên nam giới. Theo TS. Alison M.Duncan, ĐH Guelph, Canada, đậu nành không gây ảnh hưởng tới chất lượng tinh dịch của nam giới dù nam giới sử dụng đậu nành chứa hàm lượng Isoflavones cao hay thấp dựa trên kết quả nghiên cứu mẫu tinh dịch của nam giới từ 20-40 tuổi. Vui lòng tham khảo thêm:http://daunanhdinhduonglanh.vn/loi-ich-cua-dau-nanh/dau-nanh-voi-nam-gioi/56-dau-nanh-co-that-su-lam-giam-chuc-nang-dan-ong
4. Sữa đậu nành có dùng cho trẻ sơ sinh được không?
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó giám đốc Viện dinh dưỡng Quốc gia cho rằng: Từ lâu nay, đậu tương là sản phẩm thực vật có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt là hàm lượng protein (chất đạm) và lipit (chất béo) cao hơn cả thịt và cá. Từ đậu nành có thể chế biến thành sữa đậu nành tiện dụng và giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên protein của sữa đậu nành là casein, còn protein của sữa mẹ chủ yếu là albumin và globulin dễ tiêu hóa và hấp thụ cao hơn sữa đậu nành. Trẻ dưới 6 tháng tuổi cần nguồn dinh dưỡng 100% là protein động vật. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Nói tóm lại, không nên nuôi trẻ dưới 6 tháng tuổi bằng sữa đậu nành. Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi có thể sử dụng sữa đậu nành như một phần bổ sung trong dinh dưỡng của trẻ, cùng với việc bú sữa mẹ.
5. Chúng tôi được đọc tập san Dinh Dưỡng Trị Liệu số 3, trong đó có một bài viết về đậu nành do một vị nữ y sĩ chỉnh xương biên soạn. Mặc dầu tác giả, trong phần kết luận, nói là “đưa ra hai quan điểm đối chọi để người đọc lựa chọn duyệt xét” về sự nguy hại hay không nguy hại của thực phẩm đậu nành, nhưng trong nội dung, tác giả đã không giữ được sự vô tư mà khẳng định là thực phẩm đậu nành “không có lợi cho sức khỏe”. (trang 48, cột thứ hai, dòng 31). Vậy xin ông cho biết quan điểm về lời nói này?
Trước tiên, chúng tôi xin lỗi là đã không trả lời bà trong hai quyển sách mà chúng tôi đã xuất bản, vì chúng tôi đang biên soạn quyển sách riêng về đậu nành, và muốn dành cho câu hỏi của bà cũng như câu trả lời của chúng tôi có một vị trí đặc biệt trong một quyển sách có tính cách nghiên cứu khoa học. Thật ra, khi viết quyển sách này, một phần cũng là trả lời câu hỏi của bà. Tuy nhiên còn một vài điều đặc biệt, nên cũng dịp này trình bầy thêm để bà và quý độc giả hiểu rõ. Trước hết phải nói ngay rằng bài viết của nữ y sĩ chỉnh xương như bà nói, là người phụ trách trông nom và cũng là biên tập viên tập san Dinh Dưỡng Trị Liệu, có trụ sở chánh tại San Jose, không phải là một bài biên soạn có tính cách nghiên cứu khoa học mà là một bài dịch, nhưng lại không được dịch đúng và có thêm ý kiến của người dịch vào, cũng lại không nói rõ xuất xứ nguồn tài liệu và tên tác giả để người đọc có thể tìm hiểu thêm.
6. Tôi nghe nói rằng đậu nành có chất kích thích tố nữ và trong gia đình tôi có người bị ung thư vú. Vậy tôi có thể dùng thực phẩm đậu nành như đậu hũ và sữa đậu nành được không?
Trước đây người ta cho rằng estrogen là một loại kích thích tố nữ chỉ có nơi loài động vật có vú. Nhưng ngày nay, các nhà khoa học đã khám phá ra chất isoflavones trong đậu nành có những cấu trúc và sự vận hành giống như chất kích thích tố nữ (female hormone estrogen).Vì vậy họ gọi là estrogen thảo mộc (plant estrogen) hay phytoestrogen. Sau khi nghiên cứu, các khoa học gia đều cho rằng isoflavones có khả năng mãnh liệt chống lại các tác dụng gây nên chứng ung thư liên hệ đến hormone như ung thư vú, tử cung và buồng trứng. Do đó bà nên ăn các thực phẩm đậu nành như đậu hũ và uống sữa đậu nành thì tốt hơn là ăn thịt và uống sữa bò, bởi vì chế độ dinh dưỡng nhiều thịt và chất béo, sẽ làm tăng lượng estrogen, (buồng trứng tự động sản xuất thêm estrogen khi quá chất béo cần thiết). Xin bà đọc thêm chương nói về isoflavones đậu nành.
7. Có người nghe một vị Bác Sĩ Đông y nói rằng ăn đậu hũ có chất thạch cao, nên nếu ăn nhiều sẽ bị cứng gan, điều này có đúng không?
Chúng tôi có tham khảo với Bác Sĩ Lê Thành, Ph.D.,O.M.D.,CA và được giải đáp như sau: "Thạch cao, tiếng anh là gypsom mà trong tự điển Bách Khoa Encarta Encyclopedia định nghĩa là một loại chất khoáng rất phổ thông mang tên hóa học là calcium sulfat (CaSO4 2H2O).Nó được tìm thấy trong đá vôi (limestone), và hầu như có mặt ở mọi vùng trên trái đất. Trong Đông Y, người ta dùng thạch cao để hạ nhiệt khi bị sốt, khát nước, bứt rứt. Trong những chứng sốt nóng mê sảng, người ta dùng Bạch Hổ thang, gồm có bốn vị thuốc là: thạch cao, tri mẫu, ngạch mễ, và cam thảo. Trong thang thuốc nầy, vị thạch cao là chính. Trong kỹ nghệ làm đậu hũ, thạch cao được dùng để làm đông tụ chất sữa lấy ra từ hạt đậu nành và cũng để gia tăng hàm lượng calcium trong đậu hũ, vốn dĩ có rất ít trong sữa đậu nành, không đủ cung ứng cho cơ thể con người (mỗi ngày cơ thể cần khoảng trung bình 800 mg calcium). Calcium là khoáng chất rất cần thiết cho cơ thể, giúp tạo dựng khung xương cứng cáp, giúp tránh bệnh loãng xương lúc tuổi già. Khoảng 1% calcium (10 g) tác động dưới dạng ion đóng một vai trò sinh học rất quan trọng, như thẩm thấu qua màng tế bào, kích thích thần kinh cơ, tham gia vào việc chế tạo nhiều loại enzym, tiết xuất nhiều loại hormone, ngăn ngừa mệt mỏi và chứng co giật. Các chức năng ấy hoạt động tốt khi lượng calcium trong máu được giữ ở mức 95-100 mg/lít. Cơ thể không tạo lập được calcium, nên cần phải ăn những thực phẩm giầu calcium. Chất calcium thặng dư trong cơ thể sẽ được thải hồi ra ngoài bằng đường tiểu qua bộ phận thận. Ở một số người, vì một lý do nào đó, thận không bài tiết tốt, chất calcium sẽ kết tủa và đóng sỏi gây ra bệnh sạn thận. (chứ không phải gan cứng) Gan, một cơ quan tối quan trọng của bộ máy tiêu hóa, là cơ quan lọc các chất độc và các chất không cần thiết cho cơ thể.Gan cũng có nhiệm vụ là tiết ra chất mật nhằm tiêu hóa chất béo, nó không lưu trữ chất calcium. Cứng gan thường là hậu quả bởi: (1) uống rượu, (2) có tiền căn viêm gan siêu vi khuẩn A, B, C, (3) ăn uống bởi những thực phẩm trong đó có nhiều chất hóa học độc mà gan không lọc được. Thí dụ như các thức ăn bị mốc độc, như mắm, nấm mọc hoang có độc. Các mốc nầy tiết ra những hóa chất độc làm hại gan. Ngoài ra một số thuốc trị bệnh cũng có ảnh hưởng đến gan, khi dùng những loại thuốc này, BS phải theo dõi chức năng của gan bằng cách thử máu định kỳ. Theo các nhà khoa học phân tích, thì trong đậu hũ không có chất nào được liệt kê là chất độc. Chất trypsin inhibitors có trong đậu nành, không phải là chất độc, mà chỉ là một chất làm chậm tiêu hóa chất đạm, nhưng qua tiến trình làm thành đậu hũ, do việc xử lý nhiệt, nên nó đã bị hủy diệt. Còn chất thạch cao, như trên đã nói là chất khoáng calcium rất cần thiết cho cơ thể. Nói rằng ăn đậu hũ nhiều? Chúng ta nên xác định như thế nào là nhiều? Tôi chưa thấy ai ăn đậu hũ trừ cơm, và hầu hết chúng ta dù ăn chay hay ăn mặn thì đậu hũ vẫn chỉ được dùng như một trong những thực đơn trong bữa ăn mà cơm là chính mà thôi. Và như vậy thì cơ thể vẫn đủ thì giờ dung nạp để tiêu hóa. Trên thực tế ngày nay, từ Nhật Bản, Đại Hàn, Trung hoa v..v.. và cả Hoa kỳ nữa, càng ngày người ta càng có khuynh hướng dùng đậu hũ thay cho thịt cá. Trong các bản báo cáo từ các tạp chí y học, người ta chưa thấy nói đến bất cứ một tai biến nào do đậu hũ gây ra. Qua các nhận định căn bản trên đây. Chúng ta cứ yên tâm dùng đậu hũ như một thành phần dinh dưỡng trong trong thực phẩm hàng ngày mà không lo ngại gì. Chẳng những ngăn ngừa bệnh tật mà còn bồi bổ cho cơ thể qua những tác dụng tốt của đậu nành, như chúng ta đã thấy kết quả nghiên cứu của các cơ quan y học có thẩm quyền và đáng tin cậy.