Tọa đàm cấp phát giống đậu nành mới cho Nông dân Cư jut
Tháng 8 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Đậu nành Vinasoy đã tổ chức buổi Tọa đàm - Cấp phát giống đậu nành Cư Jút chọn thuần (CJCT) cho gần 100 nông dân đại diện 4 xã: xã Nam Dong, xã Ea Pô, xã Đắk Wil và xã Đắk Drong huyện Cư Jút. Đây được coi là hướng đi mới, mở ra nhiều kỳ vọng đối với người nông dân trên địa bàn.
Trong khi mỗi năm Việt Nam đều phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn đậu nành thì ngay trong nước, với điều kiện khí hậu hoàn toàn thuận lợi cho việc luân canh và chuyên canh đậu nành lại không được người nông dân chú trọng. Thực trạng này là do hầu hết giống đậu nành hiện nay đã bị thoái hóa khiến năng suất ngày càng giảm, tình trạng sâu bệnh xuất hiện thường xuyên gây rủi ro cao cho người nông dân. Từ những trăn trở đó, các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Đậu nành Vinasoy quyết tâm đi vào khảo sát, đánh giá thực tế và chọn vùng trồng thử nghiệm, tạo ra các giống đậu nành năng suất cao, phẩm chất tốt. Sau một thời gian đi vào nghiên cứu và thử nghiệm, Trung tâm đã chọn thuần thành công giống đậu nành địa phương Cư Jut hoa trắng và đặt tên là giống đậu nành Cư Jút chọn thuần với năng suất cao hơn, thời gian sinh trưởng phát triển đồng dều, trong khoảng 87 – 90 ngày phù hợp khung thời vụ của Tây Nguyên, ít nhiễm sâu bệnh hại, đảm bảo chất lượng không thay đổi. Bên cạnh đó, nhằm phát huy triệt để các đặc tính tốt của CJCT, tăng thêm thu nhập cho nông dân, Trung tâm đang từng bước nghiên cứu chuyên sâu hơn các biện pháp kỹ thuật canh tác: mật độ gieo trồng, tác động các chế độ phân bón cũng như một số loại sâu, bệnh hại chính ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng phát triển, năng suất và chất lượng của giống CJCT để áp dụng vào sản xuất đại trà.
Dự kiến trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai cấp phát 1500kg giống đạt chuẩn trên diện tích 20 ha, từ đó mở rộng nhân giống trong vụ II – 2015 tại Cư Jút. Kết thúc buổi tọa đàm, Trung tâm hứa hẹn sẽ đồng hành và giúp đỡ nông dân địa phương tiếp cận được những giống đậu nành năng suất cao, thích ứng tốt với điều kiện tự nhiên bản địa, kháng hạn, kháng úng tốt, cải thiện protein nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng riêng của vùng đất Đắk Nông.