Giữa thời khắc nhiều biến động, cùng định nghĩa lại sự an lành
Những thay đổi liên tục trong hai năm qua đã định nghĩa lại nhiều vấn đề trong cuộc sống, trong đó có thể kể đến khái niệm về sự an lành. Thế nào là an lành giữa thời đại mới? Làm thế nào để sống an lành? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Đại dịch Covid-19 trong hai năm qua đã gây ra nhiều biến động cho cuộc sống của mỗi người trong chúng ta. Những điều tưởng chừng bình thường trước đây, như một bữa cơm đoàn tụ bên gia đình, một giấc ngủ ngon không âu lo hay thậm chí một hơi thở khỏe mạnh, nay sao bỗng chốc trở nên xa lạ và quý giá quá đỗi. Những ngày thế này, chúng ta càng thấm thía hơn: “Đôi khi tất cả những điều ta cần trong đời chỉ nằm trọn trong hai chữ an lành…”
Trước đây, hiếm khi ta trăn trở về sự an lành. Nhưng thật ra, an lành là nền tảng của mọi hạnh phúc. Có an lành thì niềm vui khi thành công hay sum vầy mới được trọn vẹn, sự sẻ chia mới được lan tỏa và ngọn lửa hy vọng sẽ được tiếp tục “thắp” lên. Sự an lành không phải điều gì cao xa khó với, mà được đặt nền tảng trên một tâm hồn an yên, một sức khỏe vững vàng. Giờ đây, điều tưởng chừng giản đơn đó cũng trở nên sao thật khó khăn.
Không phải tự dưng mà những ngày này chúng ta phải làm quen với khái niệm “bình thường mới”. “Bình thường mới” có thể hiểu đơn giản là những điều mà trước đây bị cho là bất bình thường thì nay sẽ trở nên bình thường. Hoặc cũng có thể là những điều mà trước đây, chúng ta đang phấn đấu để thực hiện, thì nay, hoàn cảnh mới bắt buộc chúng ta phải thực hiện nhanh hơn. Vì nếu không thực hiện, sẽ không thể thích nghi hay tồn tại trong thời đại mới.
Trạng thái bình thường mới cũng trao cho khái niệm an lành “chiếc áo mới”. Vẫn là sự an yên trong tâm hồn và sức khỏe, nhưng nay, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn với những thói quen sống khoa học và lành mạnh.
Những chuyển động an lành
Trước đây, hẳn ai cũng từng nhận được những lời khuyên về việc tập thể dục mỗi ngày để tăng cường sức khỏe. Nhưng chiếc báo cáo đang làm dở cuối giờ, hay tin nhắn hẹn nhau “liên hoan” cùng nhóm bạn thân có thể khiến ta “nhắm mắt làm ngơ” quyết tâm tập luyện vốn cháy bỏng vào đầu ngày.
Những ngày này, khi chôn chân trong nhà nhiều hơn, ta lại “thèm” lắm cảm giác được ra ngoài đi bộ, hít thở bầu không khí trong lành hay “cháy” hết mình tại những phòng tập. Dù hoàn cảnh tập luyện không còn được như trước, chúng ta vẫn phải nhắc nhở mình cố gắng vận động khoảng 15 - 30 phút mỗi ngày. Đâu cần thiết bị phức tạp hay một huấn luyện viên “xịn xò”, một bài yoga hay set gập người theo hướng dẫn trên Internet cũng đã giúp ta khỏe hơn, sẵn sàng cho những khó khăn còn ở trước mắt. Chúng ta có thể học được cách trân trọng từng hơi thở, từng chuyển động hơn trước. Vì ta hiểu rằng, còn vận động là còn phát triển, là còn tương lai.
Vận động mỗi ngày là bước đầu tiên trên hành trình tìm kiếm sự an lành
An yên từ sâu trong tâm trí
Những phút giây chiêm nghiệm cuộc sống trong đại dịch giúp ta nhận ra: giữa thân – tâm có sự kết nối diệu kỳ. Cơ thể không thể nào khỏe mạnh nếu tâm hồn chưa được an yên. Nhưng những tin tức đầy bất an nhận được mỗi ngày, áp lực công việc chất chồng cùng chiếc ví đang cạn dần có thể bào mòn tâm trí dù khỏe mạnh nhất một cách nhanh chóng.
Để giữ cho tâm hồn được thăng bằng trước những sóng gió, lúc này, chúng ta cần lắm những thói quen lành mạnh. Tập hít thở sâu trước những cơn căng thẳng, rèn thói quen đi ngủ sớm ngủ sâu hay đọc một câu chuyện cảm động đầy tình người cũng là cách giúp tâm hồn ta thêm khỏe mạnh. Nhiều người đã tìm tới thiền như một “cứu cánh” vì phương pháp này giúp hình thành lối sống “chánh niệm”: tập trung vào từng việc ta làm, từng hành động và suy nghĩ tại thời điểm đang diễn ra, bỏ qua những xáo động của cuộc sống chung quanh. Dù chọn cho mình biện pháp nào cũng là cách gieo mầm an lành trong tâm trí từng ngày từng giờ, để những điều tốt đẹp, lành mạnh được “nảy mầm” giữa “khu vườn” tâm hồn.
Tìm về với những giá trị tốt đẹp mỗi ngày là cách giúp tâm hồn thêm an lành giữa đại dịch
An lành qua mỗi bữa cơm nhà
Trước đây, mỗi khi có dịp, các thành viên trong gia đình đều chờ mong với những bữa ăn ngoài nhà hàng. Thì nay, qua mùa giãn cách, ta lại học được cách trân trọng mỗi bữa cơm nhà. An lành đâu phải điều gì cao sang, chỉ cần một bữa cơm đủ mặt các thành viên, cùng nhau thưởng thức những món ăn ngon, đủ chất và rôm rả chuyện trò, đã thấy hạnh phúc này trước đây sao ta chưa đủ trân trọng.
Việc mua sắm thực phẩm bị hạn chế trong những ngày này cũng thôi thúc các “đầu bếp tại gia” cố gắng nhiều hơn, sao cho mỗi bữa ăn vẫn đủ thơm ngon và dinh dưỡng. Quý làm sao tình yêu từ người nấu được trao gửi qua từng bữa ăn. Đây sẽ là điều mà chúng ta sẽ còn trân trọng mãi dù mai sau cuộc sống có quay lại nhịp bình thường.
Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, những bữa ăn lành mạnh, đủ dinh dưỡng có liên hệ trực tiếp với việc hỗ trợ sức khỏe, tăng cường đề kháng “vượt” dịch. Từ công thức dinh dưỡng 4 – 5 – 1 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhằm hỗ trợ tăng cường đề kháng trong mùa dịch, PGS.TS.BS Lê Bạch Mai - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia còn khuyên các gia đình chọn mua các loại sữa, đặc biệt là sữa đậu nành nhằm bổ sung dinh dưỡng qua đường uống bên cạnh các bữa chính và bữa phụ trong ngày. Trong điều kiện giãn cách khó mua thực phẩm, có thể chọn mua các sản phẩm sữa đậu nành đóng hộp để bổ sung nhanh chóng và an toàn nguồn dinh dưỡng lành mạnh này vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Lý giải thêm về việc này, bác sĩ cho biết: “Với hàng loạt vitamin như E, K, C, B1, B2, PP, B5, B6, Folat, H, beta-caroten… cũng như các khoáng chất quý như Sắt, Magie, Mangan, Kali, Kẽm, Đồng, Selen… và đặc biệt giàu isoflavone, đây là loại hạt giàu dinh dưỡng, đem lại lợi ích hiệu quả trong việc hỗ trợ sức khỏe hệ cơ xương khớp, tim mạch, giảm béo phì, tăng cường đề kháng và nâng cao sức khỏe.”
Mỗi bữa ăn đủ dinh dưỡng cũng là một “hạt mầm” an lành được gieo xuống
Chỉ khi có sức khỏe thì tâm mới an, mới đủ vững vàng để vượt qua những thử thách của cuộc sống không ngừng biến động trong tương lai. Hãy “gieo mầm” qua những hành động nhỏ từ hôm nay, để “khu vườn” an lành vẫn tốt tươi giữa mưa gió và biến động của cuộc sống vào ngày mai.