Chung tay phục hồi ngành đậu nành cả nước
Ngoài mục tiêu chủ động nguồn nguyên liệu có chất lượng, việc Vinasoy đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu đang mở ra cơ hội để phục hồi cây đậu nành trên cả nước.
“Bức tranh” buồn của đậu nành Việt Nam
Những năm đầu thập niên 2000, đậu nành từng là một trong những cây trồng quan trọng ở Việt Nam khi có tên trong “Danh mục giống cây trồng chính” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2004.
Vinasoy đang phát triển 4 vùng nguyên liệu đậu nành bền vững trên cả nước.
Khi ấy, diện tích đậu nành trên cả nước vẫn còn khá lớn. Ông Đinh Công Chính, Phó trưởng phòng Phòng cây Lương thực và cây Thực phẩm (Cục Trồng trọt), cho biết, trước năm 2010, diện tích đậu nành cả nước gần 300 nghìn ha.
Tuy nhiên, về sau này, sự phát triển của cây đậu nành không còn thuận lợi như trước. Chẳng hạn, những cơ chế, chính sách từng tạo điều kiện cho việc phát triển đậu nành ở nhiều địa phương, đã hết thời gian có hiệu lực. Và ngay sau khi không còn chính sách hỗ trợ, diện tích đậu nành vụ đông ở nhiều tỉnh phía Bắc giảm ngay xuống. Kể cả Ninh Bình – nơi có chính sách hỗ trợ đậu nành vụ đông kéo dài tới 15 năm, cũng không duy trì được diện tích khi chính sách này chấm dứt.
Biến đổi khí hậu cũng góp phần làm giảm mạnh diện tích đậu nành. Ở miền Bắc, diện tích đậu nành vụ đông từng có lúc lên tới 90 nghìn ha. Nhưng từ khi thường xuyên xuất hiện những cơn bão muộn (từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11 hàng năm), là thời điểm đậu nành đang bước vào giai đoạn chín, mưa bão gây ngập làm hỏng hết đậu nành. Vì vậy, diện tích đậu nành vụ đông giảm rất mạnh, đến nay chỉ còn khoảng 5 nghìn ha.
Đậu nành giống VINASOY 02-NS cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, nguyên nhân cây đậu nành tại Việt Nam tiếp tục suy giảm hàng năm được ngành nông nghiệp đánh giá chủ yếu là do năng suất thấp, nên giá thành sản xuất cao, các vùng trồng không mở rộng, khả năng cạnh tranh kém với các loại cây trồng khác và không cạnh tranh được với đậu nành nhập khẩu. Năm 2010, diện tích trồng đậu nành trên cả nước là 197,8 nghìn ha. Đến 2021, thống kê sơ bộ cho thấy chỉ còn hơn 37 nghìn ha, giảm tới hơn 75% so với năm 2010.
Ông Hồ Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư Jut, Đắk Nông, cho hay, trước năm 1990, diện tích đậu nành ở huyện này từng lên tới 10.000 ha. Nhưng do đất đai dần bị bạc màu, cộng với việc giống đậu nành bản địa ngày càng thoái hóa do nông dân tự để giống từ vụ này qua vụ khác, khiến cho diện tích đậu nành trên địa giảm xuống chỉ còn khoảng 1.000 ha sau 20 năm.
Những hạt đậu nành không biến đổi gen là nguyên liệu của các sản phẩm Vinasoy.
Do diện tích bị giảm quá mạnh, vị thế của cây đậu nành ở Việt Nam đã không còn được như trước. Năm 2019, Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư số 17 về “Danh mục cây trồng chính”, thì đậu nành không còn trong danh sách này.
Trong khi diện tích đậu nành trên cả nước liên tục giảm thì nhu cầu sử dụng đậu nành lại liên tục tăng lên nhằm đáp ứng nguồn nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất dầu thực vật và các loại thực phẩm khác.
Thống kê của Tổng cục Hải quan, cho thấy trong năm 2021, Việt Nam đã phải bỏ ra gần 1,2 tỷ USD để nhập khẩu hơn 2 triệu tấn đậu nành. Đây là lần đầu tiên, lượng đậu nành nhập khẩu vào Việt Nam vượt mốc 2 triệu tấn và kim ngạch nhập khẩu cũng lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD. Điều này càng cho thấy rõ hơn một thực tế là Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào đậu nành nhập khẩu khi mà nhu cầu ngày càng tăng trong khi sản xuất trong nước ngày càng thoái trào.
Giúp nông dân nâng cao thu nhập
Trong bối cảnh đó, việc Vinasoy vẫn mạnh dạn đầu tư thu thập nguồn gen, nghiên cứu, chọn tạo ra những giống đậu nành tốt và liên kết với nông dân để xây dựng các vùng nguyên liệu trên cả nước, đang mở ra một niềm hy vọng lớn cho ngành đậu nành Việt Nam.
Nông dân huyện Cư Jut, Đắk Nông, trồng đậu nành giống VINASOY 02-NS.
Trước hết, đó là cơ hội để nâng cao hiệu quả kinh tế cho những nông hộ liên kết sản xuất đậu nành với công ty. Bà Lê Thị Hạnh, nông dân trồng đậu nành ở Cư Jut, Đắk Nông, cho biết, trước đây, khi trồng những giống đậu nành cũ, bà chỉ đạt năng suất khoảng 1,7-1,8 tấn/ha. Từ khi chuyển sang trồng các giống do Vinasoy cung cấp, năng suất đã đạt trên 2 tấn/ha.
Năm nay, gia đình bà Hạnh bắt đầu trồng giống VINASOY 02-NS. Những ngày đầu tháng 7, ruộng đậu nành nhà bà Hạnh đã sắp đến thời gian thu hoạch. Quan sát bằng mắt thường dễ dàng nhận thấy, quả mẩy đều, không bị lép bóng, tỷ lệ quả có 3 nhân cao, cây ít đổ ngã… Bà Hạnh dự kiến năng suất có thể đạt 3 tấn/ha.
Cũng theo bà Hạnh, từ khi hợp tác với Vinasoy, bà chỉ bán đậu nành cho công ty vì công ty luôn mua với giá cao hơn thị trường khá nhiều, mà tỷ lệ trừ hao lại ít hơn so với thương lái.
Ông Hồ Sơn chia sẻ, trước đây nông dân Cư Jut trồng giống đậu nành bông trắng bản địa. Do nông dân tự để giống từ vụ này qua vụ khác nên giống bị thoái hóa, khiến cho năng suất bình quân trên toàn huyện có lúc chỉ còn 1-1,2 tấn/ha. Từ khi Vinasoy bắt đầu liên kết và hỗ trợ giống tốt cho nông dân, năng suất đã tăng mạnh trở lại lên mức bình quân 2-2,2 tấn/ha.
Đặc biệt, thấy được hiệu quả kinh tế khi hợp tác với Vinasoy, nhiều nông dân trồng đậu nành ở Cư Jut đã liên kết lại với nhau thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất với công ty trên quy mô lớn.
Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc HTX Sản xuất Đậu nành xã Nam Dong, cho biết, hiện nay HTX có 115 hộ dân tham gia với diện tích 152,5 ha. HTX ra đời và liên kết sản xuất đậu nành với Vinasoy suốt từ năm 2019 đến nay. HTX mong muốn công ty cung cấp thêm giống, đẩy mạnh cơ giới hóa, qua đó, giúp HTX thu hút thêm sự tham gia của nông dân để mở rộng thêm diện tích liên kết.
Cơ hội phục hồi ngành đậu nànhChiến lược phát triển các vùng nguyên liệu của Vinasoy đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Trồng trọt, bởi đây là cơ sở quan trọng để phục hồi ngành đậu nành Việt Nam.
Ông Đinh Công Chính nhận định, nhờ sở hữu tập đoàn nguồn gen đậu nành quý, đa dạng, Vinasoy có nhiều cơ hội chọn tạo ra ngày càng nhiều các giống đậu nành tốt, đáp ứng cho nhu cầu của nhà sản xuất và phù hợp với yêu cầu về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng. Tiêu biểu như giống VINASOY 02-NS đã được Cục Trồng trọt cho phép lưu hành tại các vùng nguyên liệu.
Vinasoy cũng là đơn vị tiên phong đưa giống đậu nành VINASOY 02-NS vào chuỗi hợp tác liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho người nông dân.
Ông Chính khẳng định, đây là việc làm rất ý nghĩa, mang tính dài hạn, bền vững, vừa có tư duy chiến lược lại ứng dụng được công nghệ cao trong công tác chọn tạo giống, phát triển vùng trồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Trồng trọt rất khuyến khích các doanh nghiệp lớn, có tâm huyết và cam kết kinh doanh bền vững, như Vinasoy đang triển khai.
Theo ông Đinh Công Chính, với chủ trương xã hội hóa trong công tác chọn tạo giống cây trồng hiện nay, Cục Trồng trọt hoàn toàn ủng hộ định hướng phát triển vùng nguyên liệu từ nghiên cứu chọn tạo giống đến liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm mà Vinasoy đang triển khai. Cục cam kết sẽ ủng hộ, đồng hành và hỗ trợ Vinasoy để phát triển trở lại các vùng trồng đậu nành tại Việt Nam.