Đậu nành và sức khỏe tim mạch
Bệnh tim mạch vành và đột quỵ là nguyên nhân gây ra hơn 20% ca tử vong trên toàn thế giới. Trong đó, tỉ lệ tử vong theo độ tuổi do bệnh tim mạch giữa các quốc gia là khác nhau. Và sự khác biệt này không xuất phát từ yếu tố khác nhau về di truyền giữa các dân tộc.
Hoa Kỳ là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch (Cardiovascular disease – CVD) cao nhất trên thế giới. Theo dữ liệu của những năm gần đây, có khoảng 15,4 triệu người Mỹ bị ảnh hưởng bởi bệnh tim mạch vành (Coronary heart disease - CHD). Triệu chứng điển hình của căn bệnh này là nhồi máu cơ tim hay những cơn đau thắt ngực.
Triệu chứng thường gặp của các bệnh tim mạch là nhồi máu cơ tim và những cơn đau thắt ngực.
Tác dụng của thực phẩm từ đậu nành đối với nồng độ lipid trong máu
Suốt nhiều thập kỷ, các chuyên gia dinh dưỡng đã công nhận thực phẩm từ đậu nành là nguồn thực phẩm giàu đạm chất lượng cao. Trong 20 năm trở lại đây, tác động của đạm đậu nành đối với nồng độ cholesterol trong máu đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng các chuyên gia dinh dưỡng và y tế. Các nghiên cứu đầu tiên được thực hiện trên loài thỏ hơn 60 năm trước cho thấy, đạm đậu nành có khả năng làm giảm nồng độ cholesterol. Năm 1967, các thử nghiệm lâm sàng đầu tiên chứng minh tác dụng làm giảm cholesterol của đạm đậu nành cũng đã được công bố. Trong suốt những năm 70 và 80, các nhà nghiên cứu người Ý đã phát hiện đạm đậu nành trực tiếp làm giảm nồng độ cholesterol ở bệnh nhân có nồng độ cholesterol trong máu cao. Tuy nhiên phải đến năm 1995, tác dụng làm giảm cholesterol của đạm đậu nành mới được công nhận rộng rãi.
Đậu nành có thể làm giảm hàm lượng cholesterol trong máu.
Tác động của thực phẩm đậu nành lên các yếu tố khác liên quan đến bệnh tim mạch
Ngoài tác động làm giảm trực tiếp nồng độ lipid trong máu, nhiều nghiên cứu dịch tễ còn cho thấy đậu nành có thể làm giảm các nguy cơ khác liên quan đến bệnh tim mạch.
Đậu nành là thực phẩm tốt cho sức khỏe tim mạch.
- Tại Thượng Hải, một nghiên cứu tiến hành suốt thời gian dài trên 65.000 phụ nữ trong thời kỳ hậu mãn kinh đã chứng minh rằng lượng đậu nành mà họ tiêu thụ có khả năng giảm thiểu đến 86% nguy cơ gây nhồi máu cơ tim.
- Một nghiên cứu được tiến hành với 406 người (134 nam, 272 nữ) Trung Quốc ở độ tuổi từ 40 đến 65 (không mắc các bệnh liên quan) cho thấy rằng việc tiêu thụ đậu nành có thể làm giảm độ dày của lớp nội trung mạc tại động mạch cảnh.
- Tại Nhật Bản, một nghiên cứu khác cũng được tiến hành trong suốt thời gian dài trên 40.462 người, độ tuổi từ 40 đến 59, không mắc bệnh tim mạch hay ung thư. Kết quả cho thấy tỷ lệ nguy cơ mắc nhồi máu não, nhồi máu cơ tim và tử vong do bệnh tim mạch ở 2 nhóm phụ nữ thường xuyên sử dụng đậu nành (>= 5 lần/tuần) và không thường xuyên sử dụng (<= 2 lần/tuần) lần lượt là 0,64 ; 0,55 và 0,31.
Một nghiên cứu lâm sàng quan trọng thực hiện bởi tổ chức WISH (tổ chức nghiên cứu về isoflavones đậu nành và sức khỏe phụ nữ) trên 350 phụ nữ khỏe mạnh từ 45 đến 92 tuổi cũng cho thấy thực phẩm đậu nành giàu isoflavones giúp kìm hãm sự phát triển của xơ vữa động mạch cận lâm sàng. Việc đánh giá sự phát triển của xơ vữa động mạch cận lâm sàng được thực hiện bằng đo lường độ dày của lớp nội trung mạc động mạch cảnh (carotid intima-media thickness, viết tắt là CIMT). Dự án nghiên cứu 3 năm này đã cho thấy nhóm phụ nữ sử dụng đậu nành giảm được 16% sự phát triển của CIMT so với nhóm sử dụng sữa bò.
Uống sữa đậu nành có thể giúp kìm hãm sự phát triển của xơ vữa động mạch cận lâm sàng
Ngoài khả năng giảm thiểu các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, thực phẩm đậu nành còn được chứng minh là cải thiện các yếu tố có lợi cho bệnh tim mạch như: chức năng nội mô, hệ thống co giãn động mạch, giảm quá trình oxy hóa và kích thước của các cholesterol xấu.
Sử dụng thực phẩm từ đậu nành là một trong những cách để có một hệ tim mạch khỏe mạnh
Tóm lại, thực phẩm từ đậu nành giữ vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho tim mạch thông qua các cơ chế khác nhau. Những thực phẩm này cung cấp đạm chất lượng cao và hạn chế tối thiểu lượng chất béo bão hoà. Ngoài ra, thực phẩm từ đậu nành còn cung cấp lượng lớn các axit béo thiết yếu omega-6 và omega-3. Quan trọng hơn, đạm đậu nành trực tiếp làm giảm nồng độ cholesterol xấu (LDL) trong máu, tăng nhẹ nồng độ cholesterol tốt (HDL) và giảm nồng độ chất béo trung tính. Cuối cùng, ngoài tác động giảm trực tiếp nồng độ lipid trong máu, thực phẩm từ đậu nành còn giảm thiểu nguy cơ gây ra bệnh tim mạch vành và cải thiện các yếu tố có lợi cho bệnh tim mạch.
(Nguồn: Đậu nành dinh dưỡng lành)