5 thói quen tốt giúp người trẻ “nghỉ chơi' bệnh tim mạch

Người trẻ tuổi liệu có bị nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay không? Câu trả lời rất tiếc lại là “có'.

Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực và căng thẳng đã khiến bệnh tim mạch không chỉ còn là mối đe dọa của người lớn tuổi mà đã có xu hướng trẻ hoá khá nhanh. Theo thống kê của các bệnh viện lớn tại Việt Nam, tỉ lệ nhồi máu cơ tim ở người trẻ đã tăng lên đến 10,5% và rất trẻ là 1,8%. Con số này là một lời chuông cảnh tỉnh tới những người trẻ.

Vậy làm thế nào để chúng ta có thể tránh xa các bệnh tim mạch - căn bệnh “tử thần" gây ra tới 30% số ca tử vong hiện nay? Không hề quá phức tạp, dưới đây là 5 thói quen tốt giúp bạn phòng tránh và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch đã được khoa học công nhận. Hãy cùng tìm hiểu nhé.

1. Luyện tập thể chất đều đặn

Những hướng dẫn hiện nay của Hội tim mạch Hoa kỳ (AHA) và trường Đại học Y khoa Thể thao Hoa Kỳ (ACSM) đều khuyến cáo tất cả những người lớn khỏe mạnh đều nên tập thể dục cường độ nhẹ ít nhất 30 phút mỗi ngày. Các môn tập luyện tốt cho tim mạch bao gồm đi bộ, đạp xe, chạy bộ, yoga và các bài tập làm tăng nhịp tim (cardio). Luyện tập đều đặn giúp tăng sức bền và còn giúp chúng ta có cơ thể dẻo dai, tinh thần phấn chấn hơn.

2. Ngủ đủ sâu, đủ giấc:

Bạn có biết mất ngủ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vấn đề về tim mạch? Các bác sĩ khuyến cáo người trẻ cần đảm bảo ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày. Ngủ sâu và đủ giấc không chỉ giúp cơ thể phục hồi năng lượng mà còn giảm áp lực làm việc cho tim khi nhịp tim và huyết áp của chúng ta đều giảm khi ngủ. Đây chính là quãng “thời gian vàng” để hệ thống tim mạch “bảo dưỡng", phục hồi và hoạt động bền bỉ hơn.

3. Không hút thuốc

Áp lực công việc khiến nhiều người trẻ tìm đến thuốc lá như một cách để tập trung và kích thích năng lượng. Lạm dụng điều này vô tình khiến chúng ta đến gần hơn với bệnh tim mạch. Các hóa chất trong khói thuốc làm dày thành mạch, khiến máu khó lưu thông, thêm vào đó nicotine và CO trong thuốc lá khiến cơ tim bị tổn thương. Theo thống kê, khoảng 1 trong 5 trường hợp tử vong do bệnh tim có liên quan trực tiếp đến việc hút thuốc. Nếu bạn đang có thói quen xấu này, bạn nên cố gắng từ bỏ để bảo vệ sức khỏe tim mạch của mình nhé.

4. Hạn chế căng thẳng

Stress và bệnh tim mạch dường như là một “đôi bạn thân" có liên hệ mật thiết tới nhau. Khi ở trong trạng thái căng thẳng, nồng độ hormone gây stress và các chất gây viêm trong máu cao hơn, đây là các tác nhân chính gây ra bệnh lý tim mạch. Giảm căng thẳng bằng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tập thiền hay chơi thể thao cũng là một cách rất tốt để giảm stress mà bạn nên tham khảo.

5. Bổ sung đạm đậu nành mỗi ngày

Đậu nành có hai thành phần chính là chất đạm (protein) và chất béo thực vật có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe tim mạch. Đạm đậu nành có khả năng làm giảm cholesterol xấu, giảm huyết áp tâm thu, từ đó giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh động mạch vành. Ngoài ra, chất béo thực vật có trong đậu nành giàu axit béo không no là dưỡng chất rất tốt cho tim, giúp giảm chứng xơ vữa động mạch. Bạn có biết, bổ sung ít nhất 25g đạm đậu nành mỗi ngày (theo khuyến nghị của FDA - Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kì) sẽ giúp cải thiện bệnh và hạn chế những biến cố sức khỏe liên quan đến tim mạch. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý, nhiều rau xanh, hạn chế choresterol, chất béo bão hoà có trong đồ ăn nhanh cũng sẽ giúp người trẻ chúng ta phòng tránh tốt nguy cơ mắc bệnh tim mạch.