Những hiểu lầm phổ biến về dinh dưỡng thực vật

Ngày nay, chế độ dinh dưỡng từ thực vật ngày càng được nhiều người lựa chọn vì thân thiện với môi trường và có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại không ít những hiểu lầm xoay quanh vấn đề ăn thực vật này.

               Thiên nhiên luôn cung cấp rất nhiều rau củ, trái cây, các loại hạt tốt cho sức khỏe - Ảnh: ST

Ăn thực vật không đủ chất

Sai. Các nghiên cứu khoa học cho thấy các món ăn có nguồn gốc từ động vật cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu như kẽm, canxi, vitamin. Trong đó, B12, một loại vitamin quan trọng giúp tinh thần minh mẫn, hỗ trợ sức khỏe xương và ngăn ngừa loãng xương, phòng chống thiếu máu… còn được tìm thấy nhiều trong các loại thịt, cá, nội tạng động vật. Khi chuyển sang chế độ dinh dưỡng thực vật, nhiều người lo ngại cơ thể sẽ bị thiếu chất là điều dễ hiểu.

Thực tế, quan niệm trên hoàn toàn sai lầm vì người ăn thuần thực vật có thể tìm thấy vitamin B12 trong nấm, rong biển, đặc biệt là đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành. Bổ sung một lượng vừa phải hạt đậu nành tươi, sữa đậu nành, đậu phụ… mỗi ngày có thể "hóa giải" nỗi lo thiếu chất khi ăn chế độ giàu thực vật, đồng thời giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa cũng như giảm nguy cơ tim mạch, tăng cholesterol, mỡ máu...

Ăn thực vật dễ thiếu sắt, canxi

Sai. Nhiều người tin rằng khi thiếu sắt, cơ thể cần bổ sung các loại thịt màu đỏ như thịt bò, gan, tiết, thịt heo và các loại cá như cá thu, cá hồi, hàu, ốc… mà không biết rằng nhiều loại thực vật còn cung cấp chất sắt nhiều hơn.

Sắt được tìm thấy nhiều trong các loại đậu như đậu lăng, đậu nành, quả hạch, hạt, rau lá màu xanh đậm (cải bó xôi, cải xoong, súp lơ xanh) và ngũ cốc nguyên hạt. Nếu các thực phẩm này ăn cùng với thực phẩm giàu vitamin C còn làm tăng khả năng hấp thụ sắt lên tới 30%.

                         Sắt được tìm thấy nhiều trong các loại đậu và rau lá màu xanh đậm - Ảnh: ST

Không chỉ giàu chất sắt, các thực phẩm từ thực vật như mè, hạt hướng dương, đậu nành thậm chí còn cung cấp nhiều canxi hơn thịt động vật. Không chỉ thế, đậu nành còn có thêm các khoáng chất tạo lưới lắng canxi, tránh thất thoát canxi.

Theo Viện Dinh Dưỡng Việt Nam, đạm (protein) trong đậu nành có đủ 9 axit-amin cần thiết cho sự phát triển con người.

Ngoài ra, từ xưa đến nay, đậu nành vẫn được các nhà dinh dưỡng học đánh giá rất cao vì giàu protein và lipid. Trong 100g đậu nành có từ 34 - 40g protein và khoảng gần 20g lipid, nhiều hơn bất cứ một loại thịt động vật nào.

Bên cạnh đó, đậu nành là loại đậu duy nhất chứa nhiều axit béo không no (chất béo tốt), omega 3 (có trong cá) và omega 6 (các loại đậu thường chỉ có omega 6).

Ăn thực vật chỉ dành cho người lớn, trẻ em cần thịt mới phát triển

Sai. Chất đạm là một phần quan trọng cấu tạo nên các tế bào của cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy chất đạm từ thực vật hay động vật cũng đều chứa các loại axit amin cần thiết cho cơ thể.

Nghiên cứu của Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ chỉ ra chế độ ăn thực vật đúng cách còn giúp phòng ngừa các bệnh ung thư, cao huyết áp, đái tháo đường, giảm lượng cholesterol xấu, giúp tim mạch khỏe mạnh.

Chế độ ăn thực vật khoa học thích hợp cho mọi người từ trẻ em, thiếu niên, người trưởng thành và kể cả các vận động viên thể thao.

Ăn thực vật thiếu chất nên mau đói

Sai. Thật ra, tình trạng mau đói khi ăn thực vật có khi chỉ là những cơn đói giả do thời gian tiêu hoá rau củ ngắn hơn thời gian tiêu hoá các loại thức ăn từ động vật, điều này khiến dạ dày bạn trống nhanh hơn và từ đó sinh ra cơn đói nhanh hơn. Do đó, mặc dù ăn thực vật mau đói nhưng không có nghĩa là bạn đang ăn uống thiếu chất đâu!

Ngoài ra khi dùng dinh dưỡng thực vật, nhiều người không biết kết hợp các loại thực phẩm đúng cách dẫn đến cơ thể bị thiếu hụt các khoáng chất, chất béo, chất đạm cần thiết.

Một người trưởng thành tiêu thụ trung bình mỗi ngày khoảng 2.000 calories. Vì vậy, phần ăn thực vật cần cân bằng tỉ lệ của các nhóm thực phẩm tinh bột - đạm - đường - béo - xơ. Một khẩu phần ăn đầy đủ thường bao gồm ngũ cốc nguyên hạt (tinh bột), các loại đậu (đạm thực vật), rau xanh (vitamin và chất xơ), trái cây tươi, sản phẩm bơ sữa, sữa chua...

      Chế độ ăn thực vật đúng cách, bổ sung sữa hạt sữa đậu nành giúp cơ thể khỏe mạnh và tươi trẻ - Ảnh: ST

Ăn thực vật… nhàm chán

Sai. Các món ăn từ thực vật không hề đơn điệu mà còn vô cùng phong phú. Thực đơn của nhiều nhà hàng chuyên dinh dưỡng thực vật có cả trăm món. Chẳng hạn, từ một nguyên liệu là đậu nành, người đầu bếp có thể sáng tạo ra món sữa đậu nành, đậu phụ, bánh quy, các loại tương lên men. Sữa đậu nành còn có thể thay thế sữa bò để nấu soup kiểu Tây, làm bánh pudding tráng miệng, thạch rau câu… rất đa dạng.