TRIỂN VỌNG KINH TẾ CÂY ĐẬU TƯƠNG GIỐNG MỚI

Mô hình khảo nghiệm sản xuất đậu tương giống VINASOY 02-NS tại huyện Cư Jut (Đắk Nông).

Theo TS Lê Hoàng Duy, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy, tuy là nước nông nghiệp nhưng đến nay, Việt Nam vẫn là nước nhập khẩu đậu tương khá nhiều, chủ yếu từ Mỹ và Brazil, chiếm gần 80% tổng lượng hàng nhập khẩu.

Những năm qua, diện tích cây đậu tương tại Việt Nam ngày càng giảm, quy mô sản xuất còn rất nhỏ so các loại cây trồng khác, thu nhập của nông dân trồng đậu tương chưa cao, chi phí sản xuất cao, năng suất thấp… Đặc biệt, tại vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nông dân chủ yếu sử dụng bộ giống thích hợp với địa phương, sản xuất và bảo tồn giống theo cách truyền thống, dẫn đến giống ngày càng thoái hóa, không đáp ứng nhu cầu sản xuất hiện tại.

Trước thực trạng trên, sau khi thành lập vào cuối năm 2013, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy đã phối kết hợp các trung tâm, viện nghiên cứu trong và ngoài nước, từng bước thu thập bảo quản các nguồn gen, ứng dụng công nghệ cao, chọn tạo ra các giống đậu tương mới. Với mục tiêu chọn tạo ra giống đậu tương cho năng suất cao và ổn định, có khả năng thích ứng rộng, gieo trồng được ở nhiều mùa vụ khác nhau, tham gia vào cơ cấu gieo trồng cho hiệu quả cao ở các vùng trong cả nước, đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy luôn miệt mài, tỷ mẩn với công việc lai tạo, chọn lựa ra giống mới.

“Đối với quy trình lai tạo giống đậu tương, trung tâm chọn các dòng đậu nành bố mẹ không biến đổi gen, phù hợp đặc tính nông học, năng suất, hương vị, từ đó lai tạo ra dòng mới. Đặc biệt, việc ứng dụng cộng nghệ di truyền phân tử, chọn lọc những thế hệ con lai đúng là con lai của bố và mẹ ban đầu, sau đó nhân các dòng này, chọn ra các giống mới. Quy trình này có nhiều ưu việt, rút ngắn thời gian cho ra giống mới chỉ còn từ 3 đến 4,5 năm”, TS Lê Hoàng Duy nói và cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, Trung tâm đã sở hữu hai giống đậu tương VINASOY 01-CT và VINASOY 02-NS. Hai giống đậu tương mới này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp bằng bảo hộ giống cây trồng.

Giống đậu tương VINASOY 02-NS gieo trồng tại Quảng Ngãi phát triển tốt, sai quả và cho năng suất cao.

Đối với giống đậu tương VINASOY 02-NS được lai tạo và chọn lọc bằng phương pháp lai hữu tính từ giống địa phương Cư Jut hoa trắng sưu tập tại huyện Cư Jut (Đắk Nông) với giống mới có đặc tính nổi trội. Giống đậu tương VINASOY 02-NS có hoa màu trắng, quả chín khô có màu nâu đậm, hạt dài dẹt, màu vàng, rốn hạt màu nâu đậm, thời gian sinh trưởng trung bình từ 90-95 ngày, kháng được nhiều loại sâu bệnh hại, thích hợp gieo trồng trong vụ đông, đông xuân và hè thu; đồng thời cho năng suất đạt từ 25-35 tạ/ha, cao gấp 1,5-2 lần so giống đậu tương truyền thống.

Trong những năm qua, giống đậu tương VINASOY 02-NS đã được trồng thử nghiệm tại nhiều địa phương trên cả nước, như: Cư Jut (Đắk Nông), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), các huyện thuộc tỉnh Quảng Ngãi, An Nhơn (Bình Định), Duy Xuyên (Quảng Nam), Yên Lạc (Vĩnh Phúc), Phúc Thọ (Hà Nội),... Qua thực tiễn, giống đậu tương VINASOY 02-NS thích ứng tốt tại các vùng sản xuất và cho năng suất cao.

Tại vùng bãi bồi ven sông thuộc xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), từ nhiều năm nay, người dân nơi đây chỉ biết sản xuất hai loại cây trồng là lạc và ngô nhưng vụ đông xuân 2019-2020, bắt đầu chuyển sang trồng đậu tương giống VINASOY 02-NS.

Ông Nguyễn Tấn Lạc, nông dân ở thôn Đồng Miếu, xã Hành Tín Tây cho biết, đây là năm đầu tiên nông dân xã Hành Tín Tây trồng đậu tương giống mới nhưng kết quả rất khả quan. Cây đậu tương phát triển rất tốt, sai quả và cho năng suất cao. So trồng ngô và các loại cây trồng khác, cây đậu tương có hiệu quả kinh tế cao, công chăm sóc nhẹ nhàng hơn. “Tính ra, trồng đậu tương giống mới cho thu nhập cao hơn nhiều so trồng ngô”, ông Lạc chia sẻ.

Không chỉ ông Lạc mà nhiều nông dân ở xã Hành Tín Tây tham gia trồng đậu tương giống mới đều phấn khởi vì không những có thu nhập cao hơn so các loại cây trồng khác mà còn được cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đạt chất lượng nên không còn lo cảnh “được mùa mất giá”.

Theo ông Nguyễn Thành Hải, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hành Tín Tây, sự liên kết giữa Công ty sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy với hợp tác xã và bà con nông dân bước đầu dần khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, phân tán ở nông hộ, sản xuất nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích, giúp nông dân không còn cảnh phải loay hoay trong việc chọn lựa chuyển đổi cây trồng phù hợp.

“Điều quan trọng nhất là không những cung cấp giống mới, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mà doanh nghiệp còn cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm đạt chất lượng, giá cao hơn giá thị trường, bảo đảm có lời nên nông dân rất yên tâm” ông Nguyễn Thành Hải thổ lộ.

Rõ ràng, sự liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân là tiền đề quan trọng để các địa phương trên cả nước mở rộng diện tích trồng đậu tương giống mới, góp phần tạo thu nhập cho nông dân. Đồng thời, việc mở rộng vùng nguyên liệu trên cả nước cũng sẽ giúp Công ty sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy có được nguồn đậu tương nguyên liệu chất lượng cao, tươi mới quanh năm nhằm sản xuất các sản phẩm đặc thù giúp Vinasoy tạo ra sự khác biệt trên thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Theo nhandan.com.vn