Vinasoy dồn lực đầu tư cho đậu nành Tây Nguyên

Ứng dụng công nghệ cao phát triển đậu nành, lộ trình đến năm 2018 Vinasoy có thể đưa năng suất đậu nành Tây Nguyên đạt 3 tấn/ha, tương đương năng suất đậu nành thế giới, giúp nâng cao thu nhập và bao tiêu đầu ra cho người nông dân.

Bài học phát triển vùng nguyên liệu

Dù đậu nành có giá trị dinh dưỡng cao và là một loại thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người dân Việt nhưng những năm gần đây nông dân không còn mặn mà với cây trồng này. Nguyên nhân do giống đậu nành địa phương ngày càng bị thoái hóa dẫn đến năng suất đậu nành thấp, chi phí trồng trọt khá cao do phương pháp thủ công, thô sơ dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp .

vietnamnet

Ông Ngô Văn Tụ - Giám đốc điều hành Công ty Sữa đậu nành Vinasoy cho biết: “Cái quý của đậu nành trong nước là hương vị thơm ngon rất đặc trưng, được người tiêu dùng yêu thích. Thực trạng đậu nành hiện nay khiến chúng tôi luôn trăn trở tìm hướng phát triển cho cây trồng này.”

“Để phát triển vùng nguyên liệu, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa 3 nhà: nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông” - đó là chia sẻ của ông Võ Thành Đàng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Đường Quảng Ngãi, đơn vị chủ quản của Vinasoy.

Theo ông Đàng, “Trong mô hình kết hợp 3 nhà này, nhà khoa học sẽ nghiên cứu cải tạo để có giống tốt cho năng suất cao, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đầu tư nghiên cứu giống, cơ giới hóa sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn để giảm chi phí, đưa mô hình đó đến nhà nông và chịu trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm. Nông dân sẽ là người hiện thực hóa, chứng minh sự thành công của mô hình

Ông Đàng cũng chia sẻ thêm: trước đây, ngành mía đường Việt Nam cũng có thời điểm rơi vào tình trạng khó khăn. Bằng cách làm bài bản và có tầm nhìn, công ty CP Đường Quảng Ngãi đã thuyết phục các nông dân tiên tiến tại tỉnh Gia Lai chuyển đổi từ canh tác nhỏ lẻ sang mô hình cánh đồng mẫu lớn với sự giúp sức của từ phía Công ty CP Đường trong việc nghiên cứu giống mới có năng suất cao và hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, máy móc thiết bị cơ giới hóa hiện đại , phù hợp. Nhờ đó, công ty đã nâng năng suất mía từ 50 tấn/ha lên trung bình 90-100 tấn/ha, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho người trồng mía. Vì thế, người nông dân tự tìm đến với cây mía, với công ty và cùng nhau phát triển.

vietnamnet

Cánh đồng mía tại Gia Lai có năng suất 90-100 tấn/ha, cao gấp đôi năng suất trung bình cả nước

3 nhà chung tay vì cây đậu nành

Là 1 đơn vị thành viên của công ty CP đường Quảng Ngãi, ngay từ đầu Vinasoy đã từng bước áp dụng kinh nghiệm phát triển vùng nguyên liệu mía sang ngành đậu nành. Từ cuối năm 2013,Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng đậu nành Vinasoy được thành lập với sự hợp tác chiến lược cùng Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ sinh học Quốc Gia Hoa kỳ - ĐH Missouri và Trung tâm Nghiên cứu Đậu nành quốc gia Hoa Kỳ - ĐH Illinois. Trên cơ sở sự hợp tác này, Trung tâm xác định đầu tư mạnh vào giống và lấy đây làm yếu tố quyết định trong việc phát triển cây đậu nành trong nước.

Sau hai năm miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm, giữa năm 2015, Vinasoy đã chọn thuần thành công giống đậu nành Cư Jut hoa trắng tại Đăk Nông, bảo toàn được nguồn gen quý tạo nên hương vị thơm ngon đặc trưng của giống đậu nành này, đồng thời năng suất lên 10-15% so với giống cũ đã thoái hóa. Song song với việc chọn thuần, Vinasoy đang tiếp tục ứng dụng công nghệ cao ( di truyền phân tử ) để phát triển giống đậu nành mới, có những phẩm chất quý, năng suất cao và đáp ứng được điều kiện cơ giới hóa, dự kiến đến năm 2017 giống mới này sẽ được đưa vào trồng thử nghiệm.

Vinasoy đồng thời xây dựng một hệ thống canh tác hiện đại đồng bộ, ứng dụng phân sinh học để có thể cho ra một giải pháp toàn diện phát triển cây đậu nành Tây Nguyên.

vietnamnet

Hiện nay, kỹ thuật canh tác đậu nành rất thủ công

Các chuyên gia trồng trọt của Vinasoy đã dành nhiều thời gian nghiên cứu sâu về địa hình, thổ nhưỡng các vùng đất ở Tây Nguyên và phân chia thành các vùng canh tác chuyên canh cho đậu nành hoặc luân canh phù hợp giữa đậu nành với một số cây trồng khác như Bắp, cao su. Vinasoy đã hợp tác với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí (như Kubota) đưa vào thử nghiệm các loại máy làm đất, máy gieo hạt, máy bón phân, máy thu hoạch…với mức độ cơ giới hóa tương thích với từng vùng canh tác khác nhau.

Vinasoy cũng đang phối hợp cùng với Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, ĐH Cần Thơ nghiên cứu chọn các loại vi khuẩn nốt rễ (nốt sần) và vi khuẩn hòa tan lân để chế tạo ra phân sinh học cho cây đậu nành trồng trên đất ferrasol Tây Nguyên. Việc sử dụng phân vi sinh không chỉ làm tăng năng suất và chất lượng cây đậu nành Tây Nguyên mà còn giúp giảm lượng phân hóa học sử dụng từ 40-60% , góp phần cải tạo đất bị xói mòn do việc lạm dụng phân hóa học quá mức trong thời gian trước đây.

Với sự kết hợp đồng bộ giữa giống mới, phương pháp canh tác, cơ giới hóa phù hợp cũng như ứng dụng phân vi sinh cho đậu nành, lộ trình đến năm 2018 Vinasoy có thể đưa năng suất đậu nành Tây Nguyên đạt 3 tấn/ha, tương đương năng suất đậu nành thế giới. Từ đó giúp nâng cao thu nhập từ đậu nành và tiến tới bao tiêu đầu ra cho người nông dân.

vietnamnet

Cánh đồng mẫu đậu nành sẽ được ứng cơ giới hóa với định vị GPS vào năm 2018