ERP - "Chiếc cầu" của doanh nghiệp

Dẫu biết website chính là chiếc cầu ngắn nhất nối doanh nghiệp (DN) với khách hàng, đối tác. Nhưng để thiết lập và duy trì sự sống cho website thì không phải DN nào cũng làm được. Bởi trình độ công nghệ thông tin (CNTT) của đội ngũ nhân viên còn hạn chế, nguồn tài chính eo hẹp nên dù muốn, DN cũng khó sở hữu website đẹp, nội dung phong phú.

Website, "hồn" của DN

Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (VinaSoy) là một trong những đơn vị rất thành công trong việc ứng dụng CNTT để hỗ trợ quản lý và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Điển hình như "Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp" (ERP) đã giúp VinaSoy nắm bắt kịp thời thông tin về thị trường, cũng như tình hình hoạt động của 130 nghìn cửa hàng bán sản phẩm, 200 nhà phân phối và hơn 300 nhân viên giám sát.

Description: Trưởng phòng CNTT VinaSoy Nguyễn Phúc Đức giới thiệu tính năng của website.

Trưởng phòng CNTT VinaSoy Nguyễn Phúc Đức giới thiệu tính năng của website.

 

Tuy nhiên, để thương hiệu VinaSoy vượt ra khỏi phạm vi tỉnh thì phải kể đến sự góp công của 3 website chính cùng 20 địa chỉ vệ tinh được cài đặt sẵn. "Đây chính là những chiếc cầu nối Vinasoy đến với mọi người", anh Lê Hữu Phước, nhân viên phòng CNTT khẳng định. Bởi theo anh Phước, website của VinaSoy không chỉ cung cấp mọi thông tin liên quan đến DN, tính năng sản phẩm thương mại mà nó còn là công cụ hỗ trợ cho nhà phân phối sản phẩm, nhân viên quản lý bán hàng và bộ phận điều phối Logistics của VinaSoy thường xuyên tương tác với nhau. Nhờ vậy, VinaSoy không còn bị động trong việc tiếp cận và xử lý thông tin cũng như hoạch định thị trường. Ngoài ra, website cũng là địa chỉ để khách hàng chia sẻ thông tin, đóng góp ý kiến trực tuyến với nhà sản xuất. Điều này giúp VinaSoy chủ động điều chỉnh và hoàn thiện quy cách phân phối, bán hàng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Với Công ty CP bao bì Việt Phú, website cũng mang đến những đơn đặt hàng bất ngờ cho DN này. Bởi rất nhiều khách hàng đã tìm đến DN sau khi ghé vào địa chỉ website của DN. "Nhờ sự đóng góp nhỏ ấy mà doanh số của DN tăng từ 60 tỷ (2011) lên 130 tỷ đồng (2012), lợi nhuận hơn 4 tỷ đồng", ông Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Công ty phấn khởi cho hay.

Quả thật, chỉ cần vào website thì khách hàng đã có trong tay đầy đủ những thông tin cần thiết như: Mẫu mã, chi phí các loại sản phẩm mới; ngành nghề hoạt động, năng lực sản xuất của DN mà không cần phải mất thời gian đến tận nơi tìm hiểu. Điều này vừa giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn DN phù hợp để hợp tác, vừa giúp lãnh đạo DN nắm bắt và chỉ đạo kịp thời các hoạt động sản xuất kinh doanh. "Hơn nữa, khách hàng và DN có thể giao dịch trong mọi hoàn cảnh. Vừa tiết kiệm chi phí, thời gian vừa thể hiện sự chuyên nghiệp của DN. Đây chính là cái lợi lớn nhất mà website mang lại cho DN", ông Hùng khẳng định.

Cần liều "doping"

Không phải DN nào cũng sở hữu được trang thiết bị CNTT đồng bộ, hiện đại cùng đội ngũ nhân viên có trình độ về CNTT như VinaSoy. Bởi, rất nhiều DN không thể xây dựng nổi một website huống chi là "nuôi" nó. Nguyên nhân là vì nguồn tài chính của DN hạn hẹp, người quản lý yếu về CNTT hoặc do DN chưa mặn mà.

Điều này càng thể hiện rõ khi Đề án hỗ trợ DN ứng dụng CNTT trong sản xuất kinh doanh (Đề án 191) bị dừng triển khai vào năm 2012 sau 4 năm thực hiện (2008 - 2011). Lý do là vì DN không có nhu cầu! "Hầu hết DN ở tỉnh ta chỉ dùng website để thông tin chung về đơn vị, chứ chưa xem nó là một kênh để giới thiệu và trưng bày sản phẩm hoặc tương tác với khách hàng. Còn việc giao dịch qua Internet (thương mại điện tử) hay bán hàng qua mạng thì càng không được DN quan tâm", ông Trần Thanh Trường - Phó giám đốc Sở TT&TT lý giải.

Theo tìm hiểu của người viết thì hiện nay, rất nhiều DN ở tỉnh ta chưa có website, hoặc có nhưng "chết yểu" vì không được "chăm sóc" thường xuyên. Một số đơn vị do chưa có website nên vẫn sử dụng tờ rơi để giới thiệu các mẫu in mới, khách hàng phải tìm đến tận nơi để được tư vấn và hỗ trợ. Điều này vừa mất thời gian, vừa tốn chi phí của cả DN lẫn khách hàng.

Để giải quyết vấn đề này thì theo ông Nguyễn Phúc Đức- Trưởng phòng CNTT Vinasoy: "Website phải trả lời được câu hỏi: Khách hàng vào website của DN sẽ tìm được thông tin gì, thỏa mãn điều gì"? Bởi lẽ, website không phải là nơi để DN bày ra mọi thứ. Điều này chỉ khiến thông tin trên website bị hỗn loạn và nhàm chán. Do đó, người phụ trách website phải biết chọn lọc để chuyển tải những gì khách hàng cần và quan tâm. Muốn làm được điều này, DN phải định hướng chiến lược truyền thông và hoạch định lộ trình một cách lâu dài, bền vững.  Tiện ích và hiệu quả của website đã rõ, nhưng không phải DN nào cũng biết khai thác, tận dụng được điều này trong sản xuất kinh doanh.

(Theo Báo Quảng Ngãi)