HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ “ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO VÀ ĐỒNG BỘ CHO VIỆC BẢO TOÀN VÀ PHÁT TRIỂN ĐẬU NÀNH TÂY NGUYÊN”
Cư Jút – Đăk Nông, ngày 6/11/2015 - Nhằm bảo toàn nguồn giống đậu nành quý và thúc đẩy phát triển đồng bộ vùng nguyên liệu đậu nành lớn nhất Việt Nam tại Tây Nguyên (8.000 hecta), hôm nay, Công ty sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy phối hợp với Trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành quốc gia Hoa Kỳ (NCSB) tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế “Ứng dụng công nghệ cao và đồng bộ cho việc bảo toàn và phát triển đậu nành Tây Nguyên”.
Tại Hội thảo, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Nông nghiệp và Công nghệ sinh học từ Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Sinh học Đậu nành Quốc gia Hoa Kỳ - Đại học Missouri (NCSB), Đại học Cần Thơ và Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy cùng chia sẻ những ứng dụng công nghệ mới nhất trong việc chọn tạo giống cũng như thiết lập hệ thống canh tác đồng bộ để phát triển bền vững vùng nguyên liệu đậu nành Tây Nguyên.
Hội thảo có sự tham gia của Cục trưởng Cục trồng trọt Ma Quang Trung, lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công Nghệ, lãnh đạo các Sở ban ngành các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Đồng Tháp, các huyện, thị xã Cư Jut, Đăk Mil, Buôn Hồ cùng các nhà khoa học chuyên ngành hàng đầu tại các trường Đại học và nông dân trồng đậu nành.
Ứng dụng công nghệ cao cho chọn tạo giống đậu nành không biến đổi gen
Giống là nhân tố quyết định cho việc nâng cao năng suất và chất lượng của hạt đậu nành. Vì vậy, tập trung nghiên cứu cho việc chọn tạo giống là một trọng tâm hàng đầu của Vinasoy. Sau hai năm nghiên cứu, vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy cùng các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Sinh học đậu nành Quốc gia Hoa Kỳ (NCSB) đã thành công trong việc chọn thuần giống đậu nành Cư Jut hoa trắng với chất lượng tốt, năng suất tăng 10-15% và đã được đưa vào trồng trong vụ II-2015 cho nông dân Cư Jut, Đăk Mil.
Tiến một bước xa hơn, hiện nay các chuyên gia đang ứng dụng công nghệ di truyền phân tử để chọn tạo ra các giống đậu nành mới, bảo toàn được phẩm chất quý của giống đậu nành địa phương đồng thời nâng cao được năng suất, chất lượng của hạt đậu nành để đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm của Vinasoy.
Hệ thống canh tác đồng bộ cho đậu nành Tây Nguyên
Song song với việc chọn tạo giống, suốt 2 năm qua, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy cũng đã khảo nghiệm nhiều hệ thống canh tác theo đặc điểm của các vùng nguyên liệu khác nhau ở Tây Nguyên bao gồm: làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch trên các công cụ cơ giới hóa phù hợp.
Đặc biệt, Trung tâm cũng đã liên kết với Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu chọn các loại vi khuẩn từ đất ferralsols Tây Nguyên để chế tạo ra phân sinh học nhằm tăng nốt rễ (nốt sần) và tăng hiêu quả sử dụng phân lân cho cây đậu nành.
Đến năm 2018, cùng với giống mới, hệ thống canh tác đồng bộ và những ứng dụng phân sinh học, phân hữu cơ sẽ nâng năng suất của đậu nành Tây Nguyên đạt 3 tấn/hecta, tương đương với năng suất đậu nành bình quân trên thế giới, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế góp phần ổn định đời sống của người nông dân đồng thời chất lượng hạt đậu nành sẽ đáp ứng được nhu cầu đa dạng hóa các sản phẩm , góp phần vào sự phát triển bền vững của Vinasoy.
Ông Huỳnh Sơn Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy khẳng định: “Hướng đi phát triển vùng nguyên liệu Tây Nguyên vừa là trách nhiệm, vừa là chiến lược của Vinasoy và Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng đậu nành nhằm hợp tác bền vững cùng người nông dân, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp đậu nành Việt Nam. Sự lớn mạnh của vùng nguyên liệu Tây Nguyên sẽ tạo điều kiện cho Vinasoy có nguồn đậu nành trong nước dồi dào, tươi mới, để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người tiêu dùng”.
Thông tin về Công ty sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy
Với hành trình 18 năm tập trung chuyên biệt về sản xuất sữa đậu nành, Vinasoy, hiện đang dẫn đầu thị trường sữa đậu nành tại Việt Nam với 83,3% thị phần toàn quốc (theo thống kê nghiên cứu thị trường của The Nielsen Việt Nam - tháng 08/2015). Năm 2014, Vinasoy đạt doanh thu 3.142 tỷ đồng, tăng trưởng 49% so với năm 2013. Với với tình hình kinh doanh hiện khả quan. hết quý III, Vinasoy đã hoàn thành ba phần tư các chỉ tiêu đề ra, hứa hẹn hết năm 2015, Vinasoy sẽ cán đích thành công với chỉ tiêu doanh thu gần 4000 tỷ đồng. Với mức tăng trưởng hàng năm luôn ở 2 con số, Vinasoy đang nhắm tới các mốc cao hơn, trước mắt là việc khởi công nhà máy công suất 180 triệu lít sữa đậu nành mỗi năm ở Bình Dương để hướng tới mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng vào năm 2020.
Thông tin về Trung tâm nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy
Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy được thành lập vào ngày 13/11/2013 từ sự hợp tác chiến lược cùng hai Trung tâm hàng đầu thế giới về đậu nành: Trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành Quốc gia Hoa Kỳ - Đại học Missouri (NCSB) và Trung tâm nghiên cứu Đậu nành Quốc gia Hoa Kỳ - Đại học Illinois (NSRL). Trung tâm nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy có mục tiêu nghiên cứu ứng dụng các thành quả khoa học tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực chọn tạo giống, canh tác, cơ giới hóa, chế biến và bảo quản sau khi thu hoạch cũng như đa dạng hóa sản phẩm từ đậu nành và truyền thông dinh dưỡng đậu nành cho cộng đồng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:
Phụ trách truyền thông
Cô Trần Giang Trúc Linh
ĐT: 090 866 2692
Email: linh.tgt@mcbytpg.com