KNNTL - Số 127 – Cụ Nguyễn Thị Mẹo và Anh Nguyễn Văn Tiến – Ngày 08/01/2014
Kết nối những tấm lòng hôm nay chúng ta cùng chia sẻ hai câu chuyện về hai trường hợp gia đình nghèo ở huyện Mộ Đức và huyện Sơn Tịnh.
Đầu tiên là gia đình cụ Nguyễn Thị Mẹo, ở thôn Bồ Đề, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức. Cụ Mẹo năm nay 87 tuổi, sức khỏe của cụ quá yếu, nhưng cụ lại phải đang chăm sóc cho người chồng bị tai biến hơn 2 năm và chăm lo cho người con trai 60 tuổi bị bệnh đãng trí.
Ngày 08/01/2014, Anh Trương Văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – Vinasoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình Cụ Mẹo
Gia đình cụ Mẹo có 3 người, thì cả 3 đều nhận trợ cấp xã hội hằng tháng. Số tiền cũng chỉ đủ ăn uống tiện tặn qua ngày, còn thuốc men chữa bệnh thì không có, nên cả 3 người như đành làm ngơ với bệnh tật. Công việc nhà nông đã quá sức với cụ Mẹo, nhưng cụ đâu dám nghỉ tay. Thu nhập từ hoa màu trong vườn dù ít ỏi, cũng đỡ bớt những thiếu thốn triền miên.
Gần 90 tuổi rồi, cái tuổi hay mắc bệnh của người già, đang chực chờ kéo ngã tấm thân héo hon của cụ, vậy mà cụ vấn ráng đi, ráng làm vì chồng con đang lâm bệnh.
Cụ ông Huỳnh Loan, chồng cụ Mẹo cũng đã 90 tuổi. Hai năm qua cụ Loan bị tai biến nằm một chỗ. Vợ chồng cụ Mẹo có 10 người con, nhưng 8 người đều qua đời vì bệnh tật. Giờ còn hai người, thì anh Ninh lại bị bệnh đãng trí. Một người con trai đã lập gia đình, kinh tế cũng khó khăn nên không giúp được nhiều cho vợ chồng cụ.
Không có tiền chữa bênh, nên ngày nào cụ bà cũng nấu nước muối để bơm vào bàng quang giúp cụ Loan thông tiểu. Lắm lúc kiệt sức, cụ Mẹo cũng ráng gượng dậy. Cụ mà nằm xuống thì cụ Loan và anh Ninh không biết sẽ ra sao.
Bà đau quá thì mua 10 ngàn thuốc, khỏe được ngày nào hay ngày ấy. Nếu mà phát hiện lên nó đau bà cũng chỉ mua 5 ngàn, 10 ngàn thuốc về uống, bà cựa, bà đi ra đi vô. 10 giờ bà đi ngủ, gà gáy đầu bà dậy, bỏ gạo vô nấu cháo cho ổng, nấu nước sôi, nấu nước muối, rồi dọn quét đi làm. Bây giờ làm sao con, nằm không không chịu được con à, bà lo trồng bậy trồng bạ, bán.
Gần trọn cuộc đời vất vả, đến cuối đời cụ Mẹo chưa thể quẳng gánh lo toan. Cụ bảo, lo cho cụ ông được như ngày hôm nay cụ cũng đã thấy an lòng, nhưng mai này vợ chồng cụ qua đời, thì anh Ninh không biết nương nhờ vào ai.
Kết nối những tấm lòng xin được tiếp tục với câu chuyện về gia đình anh Nguyễn Văn Tiến, ở thôn Phú Lộc, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh. Vợ chồng anh Tiến đều trẻ tuổi, nhưng không may gặp chuyện chẳng lành. Vợ anh Tiến sinh đứa con thứ 2 vào năm ngoái thì cũng là lúc phát hiện bệnh u xơ. Anh Tiến đã vay mượn hơn 120 triệu đồng, đưa vợ đi điều trị hết bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng bệnh không hề gia giảm. Hiện giờ tài sản cạn kiệt, vợ anh Tiến chỉ còn cách nằm ở nhà uống thuốc giảm đau.
Năm ngoái, khi chị Lan sinh đứa con thứ 2 được 10 ngày, cả nhà chưa kịp mừng thì lại đột ngột đón nhận tin chẳng lành. Bác sỹ phát hiện chị Lan bị u buồng trứng. 2 năm qua, anh Tiến đã nghỉ làm công nhân để chăm sóc vợ. Tiền làm ra không có, tiền vay mượn như gió vào nhà trống. Anh Tiến nỗ lực bằng nhiều cách để cứu vợ nhưng càng ngày hy vọng gần như khép dần.
Ngày 08/01/2014, Anh Trương Văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – Vinasoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình Anh Tiến
Chị Lan vợ anh Tiến từng là công nhân của Cty inox Phước An. Lúc chị Lan nghỉ việc đi chữa bệnh, chương trình hỗ trợ cho công nhân nghèo do công đoàn Cty Inox Phước An phát động đã hỗ trợ tiền giúp vợ chồng anh Tiến sửa nhà và chữa bệnh cho chị Lan. Anh em công nhân nơi chị Lan từng làm việc cùng bà con nội ngoại và hàng xóm láng giềng đã luôn bên cạnh an ủi vợ chồng nghèo, một phần cũng vì thương cho hai đứa con nhỏ của vợ chồng anh Tiến.
Cháu Hòa nay được gần 2 tuổi, từ lúc sinh ra đã không được bú sữa mẹ. Cháu lớn lên nhờ tình thương của ông bà hai bên nội ngoại. Nhà bà nội cũng nghèo xác nghèo xơ, thương con lâm cảnh ốm đau, bà nội trông giữ cháu cho anh Tiến rảnh tay chăm sóc vợ.
Anh Nguyễn Văn Tiến: Sinh thằng cu trong bệnh viện sinh không được mới mổ, bác sỹ bệnh viện Quảng Ngãi cho biết u trong buồng trứng, lúc đó thì bác sỹ chưa nói. Nhưng sinh xong rồi về bác sỹ mới điện thoại nói sau, lúc đó đi Sài Gòn luôn.
Lúc vào mổ, vô trong bệnh viện trị 6 toa xạ trị, lúc đó ở bệnh viện luôn, lúc đó túng nhiều nhất, hồi đó về vay tiền, trước đó thì mượn bà con anh em, sau này hết chỗ mượn thì vay.Giờ nói chung là hết cách mượn, vừa rồi đưa ra ngoài Đà Nẵng, bác sỹ nói cho về. Bây giờ thực chất không còn gì, còn cái xe kia không, không có gì giá trị hết.
Hai đứa con, cháu Đạt 7 tuổi đang học lớp 1, cháu Hòa gần 2 tuổi. Hai cháu đang thiếu thốn đủ bề, cha mẹ lại phải thường đi xạ trị dài ngày ở bệnh viện.
Hiện giờ vợ chồng anh Tiến đang nợ 2 ngân hàng 60 triệu đồng và hơn 60 triêu đồng tiền vay mượn bà con. Bệnh tình của người vợ đang nặng thêm.
KNNTL - Số 125 – Anh Nguyễn Văn Phi – Ngày 31/12/2013
Kết nối những tấm lòng kì này, chúng tôi xin kể câu chuyện về hậu quả nặng nề của một gia đình có người bị tai nạn giao thông. 4 năm trước, anh Nguyễn Văn Phi ở xã Bình Thanh Tây, huyện Bình Sơn bị tai nạn giao thông dẫn đến thương tích nặng. Gia đình tốn hơn 100 triệu đồng mới cứu được mạng sống của anh Phi. Sau ngày tai nạn, anh Phi không còn khả năng lao động và đó cũng là lúc gia đình chìm vào cảnh nợ nần. Để trả số nợ vay ngân hàng lên đến 45 triệu đồng, con gái đầu của vợ chồng anh Phi phải nghỉ học, cùng mẹ đi vào Tp. Hồ Chí Minh làm nghề may. Đứa con trai thứ hai phải gởi vào chùa. Anh Phi ở nhà nương nhờ bà con họ hàng và chăm nom hai đứa con nhỏ.
Ngày 31/12/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – Vinasoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình Anh Phi
Trông giữ cháu giúp cho em gái là việc thường ngày của anh Phi. Đi đứng khó khăn, cộng với thần kinh bị ảnh hưởng sau tai nạn nên anh Phi không thể đi làm kiếm tiền như lúc trước. Tai nạn giao thông đã khiến lao động trụ cột như anh trở thành một người tàn tật.
Căn nhà lúc hai vợ chồng và 4 đứa con sum vầy bên nhau giờ trở nên lặng lẽ. Giá như anh Phi không lâm nạn, thì đứa con gái đầu không phải nghỉ học giữa chừng để vào miền Nam mưu sinh cùng mẹ.
Hai đứa con nhỏ của anh Phi, bé Như Ý học lớp 5, Như Nhật học lớp 3, sợ anh Phi đi lại vấp ngã, ngoài giờ học các em phân công nhau làm việc nhà phụ giúp cho cha.
Gia đình nợ nần túng quẫn, không còn khả năng nuôi con ăn học, anh Phi đã gởi con trai, là em Thế Vỹ vào chùa Hoa Sơn ở huyện Tư Nghĩa. Nhớ cha mẹ, nhớ các em, nhưng điều kiện tu học, mỗi năm em chỉ về quê được một lần vào dịp tết.
Nguyễn Thế Vỹ: Ba mẹ ơi, con muốn nói là ba mẹ đừng có lo lắng cho con, trong đây con sống rất vui vẻ, con sẽ cố gắng học thật giỏi. Tết con sẽ về thăm gia đình.
Anh Nguyễn Văn Phi: Con, vợ mình nhớ chứ phải không. Nhưng giờ hoàn cảnh vậy, phải để vợ đi làm ăn xa, mình ráng. Hồi trước tôi hát hay lắm, thi ở huyện Bình Sơn, dưới sân khấu người ta xem sít rịt.
Tiền nợ ngân hàng 45 triệu đồng chưa trả hết, tiền vay mượn hai bên nội ngoại cũng chưa trả xong, xa vợ, xa con, cuộc sống đảo lộn rất nhiều. Chỉ lo cho tương lai của những đứa con đang tuổi ăn học.
KNNTL - Số 124 – Anh Lê Văn Khanh – Ngày 25/12/2013
Cả khu dân cư đội 1, thôn La Hà 1, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa đang dành sự quan tâm đặc biệt đến gia đình anh Lê Văn Khanh. Rạng sáng ngày 14/12, xe tải chở gạch cùng 4 lao động bốc gạch thuê trên đường đến huyện Ba Tơ thì bị tai nạn. Vợ anh Khanh là 1 trong 4 lao động ngồi trên xe tải bị thương tích nặng nhất, hiện giờ đang cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Đây là tai nạn lần thứ 2 đối với gia đình này. 4 năm trước trong lúc đi làm thuê, anh Khanh bị tai biến mạch máu não. Từ đó đến nay anh Khanh chỉ ngồi ở nhà, không còn lao động được nữa. Lo cho chồng bị bệnh và lo cho 3 đứa con đang ăn học, chị Dần vợ anh Khanh phải vất vả sớm khuya, giờ chị Dần bị tai nạn, tính mạng đang nguy kịch. Gia đình đang rơi vào cảnh khốn cùng.
Ngày 25/12/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – Vinasoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình Anh Khanh
4 năm nay, sau ngày bị tai biến, anh Khanh ngồi ở nhà, đã là một bi kịch của gia đình. Đến lượt vợ anh lâm nạn, gia đình túng quẫn, việc học của ba đứa con cũng đang mờ mịt.
Em Lê Thị Thanh Tuyền: Ba em đi làm, bị tai biến. Hồi đó tâm trạng của em cũng giống như lúc này. Cha em 99% là chết, em tưởng lúc đó em mất cha, không ngờ cha em sống lại, đó là điều rất mừng. Không ngờ giờ đây mẹ em bị bệnh tiếp theo. Em không biết làm thế nào. Đầu em rối tung lên, không nghĩ ra được thứ gì để giúp gia đình được.
Cô hàng xóm kêu mẹ đi 2 giờ sáng, không ngờ 3 giờ sáng nghe mẹ bi tai nạn. Em không thể nào ngờ là gia đình có cha và mẹ liên tiếp gặp tai nạn. Hồi ba bị bệnh, một mình mẹ làm nuôi cha và ba chị em ăn học. Năm lên lớp 6, cha em bị bệnh. Lúc đó mẹ nói chắc em nghỉ học. Em năn nỉ rồi mẹ cũng lo cho em đi học. Giờ mẹ bị tai nạn, em không biết gia đình mình sẽ như thế nào. Cả cha và mẹ đều bệnh, ba chị em không biết dựa vào ai nữa.
Tuyền là con gái đầu của anh Khanh, năm nay em học lớp 9. Mẹ bị tai nạn trong lúc em đang thi học kì 1.
Người cha ngồi bất động suốt ngày, mẹ thì cấp cứu ở bệnh viện, một mình Tuyền quán xuyến hết việc nhà, rồi khuyên nhủ việc học hành của hai đứa em.
Mấy năm nay, hoàn cảnh khó khăn, nhưng chị Dần đã làm việc đến quên ăn, quên ngủ. Tất cả cũng vì chồng, vì những đứa con phải được ăn học.
Mẹ không có đêm nào ngủ yên. Mẹ đi làm về 10 giờ đêm, 1 giờ sáng mẹ lại đi, có hôm em học bài khuya thì vô ngủ với mẹ. Mẹ cũng nói là ráng làm cho ba chị em được đi học. Mẹ làm những việc như bốc gạch, ngói, làm ruộng. Có khi họ gọi đi lấy bột cưa cũng đi, ai kêu làm gì mẹ cũng đi. Có ngày mẹ bị ốm mà vẫn ráng đi làm, khi mẹ bị đau đầu, má uống thuốc giảm đau đi làm, họ kêu gì mẹ làm nấy. Trong 4 người bị tai nạn, má em bị nặng nhất, có nguy cơ mất. Em sợ mất mẹ, sau này sẽ như thế nào.
Tấm hình lúc anh Khanh, chị Dần còn lành lặn, đang hạnh phúc với ba đứa con. Một mái ấm bình yên bỗng chốc lâm vào cảnh ngặt nghèo.
Suốt 4 năm từ ngày người cha không còn lao động, ba chị em Tuyền đã cảm nhận nỗi túng thiếu của gia đình, thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của mẹ. Nhưng số phận bất hạnh đã đẩy các em vào cảnh khi cả cha và mẹ chưa biết đến khi nào khỏe mạnh trở lại như lúc bình thường.
Một gia đình mà cả hai vợ chồng đều bị tai nạn, 3 đứa con thì còn quá nhỏ. Vợ chồng anh Khanh chưa xây được nhà để ở, đã được mẹ vợ cho mượn nhà ở tạm. Anh chị em của anh Khanh và chị Dần đều làm nông vất vả nhưng cũng đã cùng nhau dồn sức giúp gia đình anh Khanh. Tiền gom góp được cũng như đem muối bỏ biển vì cả hai lần anh Khanh và chị Dần gặp nạn đều nguy kịch đến tính mạng.
KNNTL - Số 123 – Ông Huỳnh Văn Định – Ngày 18/12/2013
Kết nối những tấm lòng tuần này, là câu chuyện về gia đình ông Huỳnh Văn Định, ở Thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành. Ông Định năm nay đã 74 tuổi, tai biến cách đây 4 năm phải nằm một chỗ. Cậu con trai thứ, anh Huỳnh Ngọc Lai, cưới vợ được hơn 3 năm về sống cùng nhà. Nhưng bất hạnh đã xảy đến, anh Lai bị ung thư xương. Gánh nặng gia đình oằn lên vai chị Mai Thị Thơ, vợ của anh Lai. Ba chồng nằm một chỗ, mẹ chồng đã lớn tuổi, chồng bị ung thư phải chạy chữa thường xuyên, cô con gái nhỏ chưa được 2 tuổi không chịu rời vòng tay của mẹ.
Ngày 18/12/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – Vinasoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình Ông Định
Khối u ở mắt cá chân phải, và đã di căn, khiến cho anh Lai, người đàn ông, trụ cột chính của gia đình, đến cả việc vệ sinh cá nhân, cũng phải nhờ đến vợ.
Chị Mai Thị Thơ: Cha bệnh nằm một chỗ, mẹ già không làm được gì, chỉ có mình em làm chính trong gia đình, em bị ung thư thế này, cuộc sống cũng nhờ bà con giúp đỡ, em giờ không biết dựa vào ai, bệnh của em cũng chỉ cầm cự thôi.
Mỗi lần chăm sóc cho ông Định, là mỗi lần cả gia đình vất vả. Ông bị tai biến vì xuất huyết não. Tính khí cũng thất thường. Và chị Thơ, luôn phải gánh chịu mỗi ngày khi đến chăm sóc cho ông.
Bà Lưu Thị Bút, vợ ông Định, cũng chỉ ở nhà, loay hoay phụ giúp con dâu chăm sóc bệnh tình cho 2 người đàn ông bị bệnh.
Chân phải của ông Định, đã không còn, vì bị rắn độc cắn cách đây 20 năm, và phải tháo khớp. 4 năm nay ông phải nằm một chỗ vì bị tai biến. Con trai ông, anh Lai, với khối u đang di căn rất nhanh ở chân phải, dù đã được mỗ nhiều lần.
Như vòng quay của sự bất hạnh, cái nạn gỗ mà ông Định sử dụng trước khi bị tai biến, giờ lại đeo bám thêm một cuộc đời, là con trai ông.
Ông cha bị rắn cắn, phải tháo khớp, đi cái nạn này được 20 năm, giờ mình sử dụng. Ở đời ai học được chữ ngờ.
Chữ “ ngờ” mà anh Lai không học được, lại gắn vào quá khắc nghiệt cho gia đình này. Thu nhập của chị Thơ, không ổn định. Tiền làm mỗi ngày với công việc dán áo mưa, đủ mắm muối qua ngày. Nhưng từ hôm cơn lũ đi qua, nguồn thu nhập cũng không còn, vì máy móc ở chỗ làm bị ngập nước hư hỏng. Hơn 1 xào lúa không đủ cho cả 5 miệng ăn. Nợ lại chồng thêm nợ mỗi lần anh Lai vào thành phố chữa trị. Cuộc sống gần như tối mù mỗi khi chị nghĩ đến ngày mai.
KNNTL - Số 121 – Em Phan Công Sơn – Ngày 31/11/2013
Mặc dù cơn lũ lịch sử đã đi qua hơn 10 ngày, nhưng ở những vùng rốn lũ trong tỉnh, nhiều gia đình nghèo vẫn chưa dọn dẹp xong nhà cửa. Đồ đạc, ruộng vườn ngổn ngang. Kết nối những tấm lòng tuần này xin được chia sẻ với gia đình em Phan Công Sơn, ở thôn An Hòa, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành. Câu chuyện của Sơn là khổ cực bộn bề mà học sinh nghèo vùng lũ đang đối mặt. Sơn mồ côi cha. Mẹ em thì lại đang bị suy thận nặng. Bà ngoại đã 85 tuổi. Gia đình em Sơn đã thiếu thốn nhiều năm rồi, vậy mà trận lũ vừa qua lại đẩy thêm gia đình vào cảnh túng cùng.
Sơn đang học lớp 10, trường THPT Nguyễn Công Phương. Nhà có 3 người, mẹ bị bệnh, bà ngoài thì già yếu, bao nhiêu việc cũng chỉ một mình em làm.
Bận rộn với việc học hành, ở nhà em lại tất bật dọn dẹp nhà cửa.
“Hôm trước lũ lên, cuốn trôi những đồ đạc để ở ngoài em không kịp dọn, đồ trong nhà em chị kịp đưa lên gác. Lũ lụt xong là em dọn miết đến bữa nay thôi, dọn xong ở nhà, trường học trở lại thì em đi học, học rồi về tiếp tục dọn.”
Bệnh suy thận đã làm cơ thể chị Nhung mẹ em Sơn suy yếu từng ngày. Mỗi tuần chị Nhung chạy thận 3 lần ở bệnh viện Quảng Ngãi. Bảo hiểm y tế thanh toán một phần, còn lại mỗi tháng chị phải chi trả 300.000đ tiền viện phí.
Nhà không có tiền, mỗi tháng bà con hàng xóm gom góp được 300 ngàn đồng hỗ trợ giúp chị Nhung.
Cụ Bường, ngoại của Sơn năm nay đã 85 tuổi, không còn sức để phụ giúp việc nhà.
Cụ Nguyễn Thị Bường: Ở đây bà con thấy túng thiếu quá thì quyên góp ngoài chợ đem vô cho, ít nhiều cho con nó ăn qua ngày, chứ đói quá làm sao sống được. Rồi bà con thấy thằng nhỏ đi học túng thiếu quá, xin trường miễn tiền giúp nó. Ở dưới trường thầy cô cho nó ít bạc để nộp tiền nọ, tiền kia. Làm gì nó cũng làm. Mấy cô ngoài chợ kêu nó làm gì nó làm hết. Gà trôi sạch trơn, vịt cũng trôi 5, 10 con. Lớn nhỏ đều trôi, còn lại thì uống nước đục cũng chết. Mình khổ ráng chịu khổ, mạnh thì ai làm gì mình làm nấy, bon chen ráng làm ăn.
Bệnh suy thận của chị Nhung không khác gì một cơn lũ dữ kéo dài triền miên. Nó vặt kiệt tiền bạc của gia đình. Lũ cuộc đời, lũ thiên tai lại chồng lên nhau, khổ càng thêm khổ.
Chị làm không nổi, giờ ở nhà, được bà con cho đồng nào, ăn đồng đó. Bà con giúp đỡ cho nó học cái chữ, được chữ nào thì được.
Ngày 31/11/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – Vinasoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình Em Sơn
Lũ vừa rồi quần áo em trôi còn ba bộ, quần áo của ngoại và má thì trôi một ít. Đồ dùng học tập cũng bị hư một ít.
Nhà có một chiếc giường, chỉ đủ cho mẹ và ngoại nằm. Tối đến Sơn ngủ trên giường xếp. Nước lũ lại làm hư chiếc bàn học.
KNNTL - Số 120 – Bà Tạ Thị Hai – Ngày 26/11/2013
Trong những ngày này, cả tỉnh Quảng Ngãi đang dồn sức khẩn trương khắc phục hậu quả của cơn lũ lịch sử. Cơn lũ đi qua, gây thêm nhiều mảnh đời bất hạnh. Chúng ta cùng chia sẻ hai hoàn cảnh khó khăn ở vùng rốn lũ xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành.
Gia đình bà Tạ Thị Hai, một hộ nghèo cũng vừa bị thiệt hại nặng nề do lũ. 75 tuổi, bị tai biến nằm một chỗ đã gần 10 năm nay. Một mình người con gái, chị Huỳnh Thị Lượng, 46 tuổi chăm sóc.
Ngày 26/11/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình Bà Hai
Lúc lũ tràn đến, chị Lượng kịp nhờ hàng xóm bế mẹ lên căn gác chật hẹp. Nước lên ngập gần đến gác. Suốt đêm hai mẹ con lo lắng, nếu nước lên thêm chút nữa, không biết phải xoay sở thế nào, đành chỉ biết cầu trời, khấn Phật. Mấy hôm nay, cả nhà ăn cơm bằng gạo được cứu trợ.
Chị Lượng tự túc được một con trai, cuộc sống vất vả, con trai chị đã vào thành phố HCM làm công nhân. Lương ba cọc, ba đồng chỉ đủ cho cuộc sống của bản thân. Còn chị Lượng ở nhà vừa nuôi mẹ già, vừa nuôi đứa cháu đang học lớp 9.
Hoàn cảnh khó khăn, chị vay tiền của Hội phụ nữ xã, mua được 2 con bò. Chỉ còn vài ngày nữa chị sẽ bán để trả nợ, mua thuốc thang cho mẹ, và trang trải trong cuộc sống gia đình. Vậy mà, tất cả hai con bò đã trôi theo nước lũ.
“ - Giờ biết làm sao, tới đâu hay tới đó. Cái này ngoài ý muốn... Giờ chuồng bò để không đó, rơm cho bò cũng để đó chứ biết làm gì đâu.
- Mì này mình để làm gì đây chị, nó ướt hết rồi?
- Thì nhà nước cấp cho nửa xào trồng mì, phơi cho bò, cho gà, mà giờ ướt mốc hết rồi, bò thì cũng không còn...”
Căn nhà giờ trống hoác, ngổn ngang những vật dụng còn lại sau lũ. Cơn mưa chiều nay sau lũ, như cảnh nghèo bao phủ lấy những mảnh đời nghèo khó.
KNNTL - Số 118 – Bà Trương Thị Kha – Ngày 12/11/2013
Chuyên mục Kết nối những tấm lòng tuần này, xin được tiếp tục với câu chuyện của gia đình cụ bà Trương Thị Kha, 83 tuổi, ở xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn. Từ nhỏ cụ Kha đã bị cụt chân vì đẫm phải mìn trong chiến tranh. Cụ Kha hiện đang sống cùng người con gái và đứa cháu ngoại. Chị Thơm con gái của cụ Kha là lao động chính trong nhà, nhưng chị lại bị bệnh thần kinh nhẹ. Chị Thơm không có chồng, tự túc được đứa con là em Nguyễn Hoàng Thảo. Em Thảo cũng bị bệnh tâm thần, lúc lên cơn, Thảo đập phá đồ đạc, quấy rối miếng ăn, giấc ngủ của bà ngoại và mẹ. Cuộc sống của 3 người trong gia đình này luôn thiếu trước, hụt sau.
Ngày 12/11/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình Bà Kha
Số phận chị Thơm không may mắn. Tự túc được đứa con trai, ngởỡ rằng Thảo lớn lên sẽ là nơi cậy nhờ cho chị lúc tuổi già. Ngờ đâu Thảo lại mắc bệnh tâm thần, suốt ngày em chỉ biết quậy phá. Chị làm quần quật suốt ngày .
Mẹ già, con bệnh, sức chị lại có hạn, có ráng làm lụng cũng lẫn quẫn với cảnh nghèo.
Lúc Thảo bình thường, bà ngoại và mẹ em được bình yên, nhưng khi em lên cơn đập phá đồ đạc, cụ Kha và chị Thơm chỉ biết cam chịu.
Thảo phá hết những gì có trong nhà. Bàn thờ trơ trọi. Giường ngủ, đồ dùng em không chừa lại cái gì.
Thảo bị bệnh đạp phá, nhưng bà ngoại và mẹ giận thì ít mà thương em thì nhiều hơn, bởi em không được may mắn như bao người bình thường. Chỉ tội cho cụ Kha, tuổi già sức yếu, còn một chân lành lặn, hằng ngày phải nơm nướp lo sợ đứa cháu có tinh thần bất ổn.
Cụ Kha và chị Thơm đã thường xuyên sống trong cảnh thiếu ăn, và khổ tâm. Cả gia đình rất mong em Thảo được gởi vào bệnh viện tâm thần điều trị dài ngày, nhưng không có tiền lo chi phí.
KNNTL - Số 119 – Anh Nguyễn Văn Thiều – Ngày 19/11/2013
Chuyên mục Kết nối những tấm lòng tuần này, xin được tiếp tục với câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Văn Thiều, ở thôn Độc lập, xã Tịnh Ấn Đông, Sơn Tịnh. Một gia đình có 4 người, thế nhưng có 2 người trụ cột chính trong gia đình đã ngã bệnh nặng. Hoàn cảnh gia đình bế tắt, cô con gái lớn đang học năm 2 trường Đại học Phạm Văn Đồng phải nghỉ học, cô con gái nhỏ đang học lớp 12, cũng có nguy cơ phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình mình
Anh Nguyễn Văn Thiều, 51 tuổi, đang bị bệnh nặng. Anh đã phải đi mổ 3 lần vì bệnh tràn khí màn phổi. Trước đây, những lúc khỏe, anh đi bán vé số để kiếm tiền nuôi gia đình. Bệnh mỗi ngày thêm nặng hơn, hơn 3 tháng nay, anh không thể thở được mỗi khi vận động.
Vợ anh Thiều, chị Hồ Thị Đức, bị bệnh ở các mạch máu hơn 3 năm. Mỗi lần làm việc nặng, hoặc cúi xuống là máu chảy ra miệng, mũi và tai.
Ngày 19/11/2013, Anh Phạm Nhất Kông – Chuyên viên Marketing Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình Anh Thiều
Hai vợ chồng đều đau ốm, ruộng vườn giao lại cho chị gái làm. Cô con gái lớn, mới 20 tuổi, đang học trường Đại học Phạm Văn Đồng, phải nghỉ học vào thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân để phụ giúp gia đình.
Con gái thứ 2 của chị Đức và anh Thiều, em Nguyễn Thị Trinh, học sinh lớp 12, Trường THPT Sơn Tịnh. Em dự định cố gắng học hết năm nay, vì kinh tế gia đình không còn khả năng để em được thực hiện ước mơ của mình.
Tiền thuốc thang cho cả hai vợ chồng, rồi chi phí mỗi lần nằm bệnh viện, tiền ăn, tiền học, tất cả đang đè nặng lên gia đình này. Số tiền nợ của 9 năm lo chữa bệnh cũng đã lên đến gần 100 triệu đồng, gia đình không còn khả năng để trả.
Anh Thiều chuẩn bị ra bệnh viện Đà Nẵng khám bệnh, chị Đức vẫn còn loay hoay tìm cách vay mượn. Nợ cũ chưa trả xong, chị Đức không biết xoay xở bằng cách nào.
KNNTL - Số 117 – Ông Đỗ Hòa – Ngày 05/11/2013
Kết nối những tấm lòng tuần này xin được kể về 2 hoàn cảnh khó khăn rất cần sự giúp đỡ. Đầu tiên là hoàn cảnh của ông Đỗ Hòa, ở tổ dân phố 3, thị trấn Mộ Đức, huyện Mộ Đức.
Ông Hòa 77 tuổi, sống neo đơn. Tuổi già bệnh tật nhiều. Tháng trước bệnh nặng, điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Tiền viện phí bà con gom góp chi trả giúp ông. Cơm nước thì nhờ hỗ trợ của những đoàn từ thiện.
Hiện giờ ông Hòa sống qua ngày nhờ tình thương của bà con hàng xóm. Nhà cửa xuống cấp, thỉnh thoảng ông Đặng nhà ở gần bên qua giúp ông sửa lại nhà cửa.
Trường hợp ông Hòa rất mong quí vị giúp đỡ để ông vượt qua những ngày tháng cuối đời trong cảnh đơn chiếc.
Ngày 05/11/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình Cụ Hòa
KNNTL - Số 116 – Chị Võ Thị Bé – Ngày 29/10/2013
Kết nối những tấm lòng xin được kể câu chuyện của ba mẹ con chị Võ Thị Bé, tổ 6, phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi. Chồng mất cách đây 7 năm sau một thời gian dài mắc bệnh thận, để lại cho chị hai đứa con nhỏ và nợ nần chồng chất. Cố gắng vượt qua hoàn cảnh, nhưng tai họa lần nữa ập đến, chị Bé cũng ngã bệnh. Mỗi ngày, bệnh lại càng nặng thêm, trong gia đình, không còn ai chèo chống.
Ngày 29/10/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình chị Bé
Chồng chị Bé mắc bệnh thận, sau một thời gian dài chữa bệnh, bao nhiêu tiền của đều đổ vào lo chữa bệnh cho chồng. Chồng mất không được bao lâu, chị cũng ngã bệnh nặng, các khớp chân tay co rút lại. Không thể đi lại được nữa, chị phải ngồi xe lăn.
Cháu Trương Thị Kim Ly, con gái lớn của chị Bé, đang học lớp 9. Cô bé gầy yếu vì bệnh viêm đại tràng. Một buổi đi học, một buổi lo cơm nước và thuốc thang cho mẹ.
Gia đình hiện giờ không có nguồn thu nhập nào. Bệnh của bé Ly cũng không thể đi chữa trị. Còn bệnh của mẹ thì ngày càng thêm trầm trọng nhưng cũng chỉ tìm đến thuốc Nam. Hoàn cảnh của chị Bé, nhiều người thương, người cho gạo, người cho nắm rau, con cát. Nhưng hàng xóm cũng không thể giúp chị nhiều hơn được.
Con trai thứ 2 của chị Bé. Em Trương Quang Minh Huy. Một buổi đi học, một buổi phụ chú bơm xe để kiếm tiền phụ mẹ.
Chị Bé, giờ bệnh nặng, không thể chăm sóc cho hai con của mình. Còn với Huy và Ly, hai em tâm sự rằng, chỉ cần mẹ em sống, là các em có động lực để sống trong cuộc đời này. Bởi, ba mất, giờ hai em, chỉ có mẹ.
Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tương lai của Ly và Huy có nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng. Bệnh tình của chị Bé ngày càng nặng thêm vì không có tiền chạy chữa.