KNNTL - Số 105 - Em Trần Thị Thanh Trang - Ngày 7/8/2013
Chúng ta tiếp tục với câu chuyện tuần này về hoàn cảnh của em Trần Thị Thanh Trang ở huyện Mộ Đức
Căn nhà chỉ có Trang và mẹ. 43 tuổi, bà Hồng mới quyết định tự túc một đứa con. Thấm thoát mà đã 18 năm trôi qua, giờ Trang đã tốt nghiệp THPT, còn bà Hồng đã bước qua tuổi 62.
8 năm nay, bà Hồng bị bệnh suy tim và suy thận nặng. Có bệnh mà không có tiền chữa trị, gần 2 năm nay, bà Hồng đã nằm liệt giường.
8 năm trời, mẹ đau nặng, cũng là ngần ấy năm, Trang tự kiếm tiền trang trải học hành và dành dụm tiền nuôi mẹ. Chỉ có buổi nào nghỉ học, Trang mới có thời gian đi làm. Tiền công một tuần góp lại chưa tới 100 ngàn. Số tiền Trang kiếm được mỗi tuần là khoản chi tiêu cho hai mẹ con.
Đi học, đi làm nhiều lúc em rất mệt mỏi, nhưng về gần mẹ, hai mẹ con trò chuyện với nhau, bao nhiêu mệt nhọc dần tan biến. Nhiều lúc nhìn mẹ đau quá, em không dám khóc trước mặt mẹ, mà chạy ra sau vườn. Mẹ động viên em nhiều lắm, bảo em cứ học đi, học đi rồi sẽ không khổ như mẹ.
Kỳ thi đại học vừa rồi, Trang thi hệ cao đẳng mầm non của Trường Đại học Phạm Văn Đồng, đạt 12 điểm. Trường chưa công bố điểm chuẩn, chưa biết em có trúng tuyển vào trường Đại học Phạm Văn Đồng hay không, nhưng đó là một phần giấc mơ mà em đã cố gắng đạt được.
Ngày 13/08/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình em Trang
Nếu may mắn được đi học cao đẳng sư phạm mầm non, sẽ có nhiều thách thức lại bủa vây lấy em. Ai sẽ thay em chăm sóc mẹ hằng ngày ? Rồi em sẽ làm gì để kiếm tiền trang trải học hành ở một môi trường mới ?
Trang rất ham học và có hiếu với mẹ, nhưng với hoàn cảnh hiện tại, em đang có 2 lựa chọn. Một là ở nhà đi làm nuôi mẹ bênh tật, hoặc nếu đi học sẽ trong tâm trạng bất an. Khi đi thi đại học, trong nhà hai mẹ con chỉ có 200 ngàn đồng. 200 ngàn đã tiêu hết rồi, những đồng tiền em làm ra trong những tuần vừa qua cũng chỉ đủ chi tiêu ăn uống cho 2 mẹ con.
KNNTL - Số 104 - Anh Võ Quang Trí - Ngày 31/7/2013
Võ Quang Trí, một thanh niên 32 tuổi đang từng ngày vật lộn với bệnh hẹp van tim. Anh Trí đang sống một mình. 20 năm trước, mẹ anh Trí qua đời. Người cha nuôi 3 anh em Trí được vài năm, rồi bỏ quê đi nơi khác. 3 anh em Trí tự chăm sóc nhau. Anh Trí gọi chuyện cha bỏ đi là chuyện của người lớn, nhắc lại chỉ càng làm cho căn nhà thêm ảm đạm
Anh Võ Quang Trí (Điền Long – Nghĩa Điền – Tư Nghĩa): Hồi đó cuộc sống khó khăn, mẹ mất 12 tuổi, đi làm cho họ, đi gõ hủ tiếu, tháng có 100 ngàn bạc thôi, hồi đó khổ, đi gà gáy họ đánh lên đánh xuống. Đi trễ họ cũng đánh, cũng chửi, gõ mấy năm thì về đây đi bán bánh mì, đi bán với mấy người ở hàng xóm họ dẫn đi xuống thành phố nhận bánh mì bán về nuôi mấy đứa em. Về mua gạo. Lớn lên hai mấy tuổi, làm cho ông cậu nướng bánh tráng hơi khỏe khỏe, ăn uống đỡ, mình không lo, tiền tháng có mấy trăm ngàn thôi. Làm miết năm ngoái về bắt đầu đau nặng. Nằm từ hồi đó đến nay.
Có mẹ thì khỏe, có gì cũng che chở cho mình, bây giờ không có mẹ, từ nhỏ lớn lên không ai quan tâm, không ai mà thương, cũng không ai mà lo. 2 đứa em làm ăn được rồi thì tách đi, phần đứa nào nấy sống.
Hồi mấy năm đi làm cho ông cậu, về một hai bữa thấy nhà cửa, thấy hết muốn về, sân cỏ đầy hết, không có ai, về đây không có ai hết, ở hai ba bữa rồi quay vô làm. Về tết cũng ở một mình.
Lâm bệnh nặng, anh Trí quay về nhà, ngày ngày chống chọi với bệnh tim.
Từ khi mồ côi mẹ, anh Trí như cây non gượng dậy sau bão. Tuổi thơ đã sớm lăn lộn vào đời, sớm nếm trải khổ cực. Thấm thía nỗi khổ khi mồ côi mẹ, những lúc kể lại chuyện đời cơ cực, anh luôn nhắc đi nhắc lại một điều “giá mà còn mẹ, thì cuộc sống đâu có khổ như lúc này”.
Quãng đời cơ cực vẫn còn đeo đuổi ở tuổi 32, căn bệnh tim đang như một tấm màng đen, nặng trịch che lấp hết những tia hy vọng mong manh, dù anh Trí đã cố thoát khỏi vùng tối trong sự bất hạnh, và gần 2 năm vật lộn với bệnh tim đã làm niềm tin và nghị lực sống của anh đang cạn dần.
KNNTL - Số 103 - Bà Ngô Thị Giàu - Ngày 24/7/2013
Kết nối những tấm lòng hôm nay, xin kể về tình cảm đùm bọc của bà láng giềng ở xóm Tập Long, thôn Long Thành, xã Tịnh Thiện, huyện Sơn Tịnh đối với cụ bà Ngô Thị Giàu, 85 tuổi.
Chúng ta cùng chia sẻ hoàn cảnh của cụ bà bị tai biến đang sống một mình và tấm lòng thơm thảo của hàng xóm láng giềng.
Bà Giàu có ba người con gái, nhưng cả ba đã đi lấy chồng xa, và ai cũng nghèo khổ.
Bị tai biến từ 3 năm trước, hiện giờ bà Giàu chỉ gắng đi được vài bước trong nhà, mọi sinh hoạt đều nhờ vào bà con xung quanh.
Ở quê ai cũng bận bịu với việc nhà nông. Nhưng chị Bảy Chúc và chị Chín cố gắng sắp xếp việc nhà, hằng ngày thay phiên nhau giúp đỡ cho bà Giàu.
Bà Ngô Thị Giàu: Giờ trời đất để mạnh thì tôi đi xịch xịch mà để chết thì tôi chết. Mà sợ chết không có ai nữa.Bà con hàng xóm thì người cho bạc, người cho gạo, có người cho đủ thứ, cá, đồ ăn. Bà con thương tui mới sống được, hôm qua có bà ở tuốt xóm dưới kia, bả giỗ, bả gởi cho bà đi ăn giỗ ma ng lên bả cho, nói là đem về cho bà Năm. Tôi ăn tôi khóc, tủi. Hồi kia không cực vậy đâu. 3 bữa tết, bà con cho nhiều, được 1 triệu vậy, để đó, gởi bữa mua 10 ngàn bạc cá, vài ba bữa gởi 1 lần, ăn qua ngày. ở đây gởi gắm thì bà Hai, cô bảy chúc, chị em ở xa cho gạo, cho 4, 5 lon gạo, đập lúa lên mấy bả cho. Cho rồi nẫu đi tủi quá, tủi thân.
Năm nay yếu quá, đi phải vịn, không vịn thì té chú. Năm nay yếu nhất hạn, sợ chết năm nay. Giờ đi cái cẳng yếu yếu
Cơm nước con nấu xong rồi, chặp nữa chị Chín chỉ qua lấy cho ăn, bác nói với chỉ cửa nẻo khép lại cho bác.
Bà Giàu: Nẫu đi rồi tủi quá, hồi họ tới thì không tủi, vui, mà nẫu đi rồi tủi. Buồn cho phận mình.
Chị Chúc và chị Chín, hai người thường xuyên chăm sóc cho bà Giàu đã tâm sự rằng, sáng nào đến mở cửa mà thấy bà Giàu còn ngồi dậy nói chuyện là an tâm trong lòng. Đó là nguồn động viên giúp các chị tiếp tục công việc quen thuộc hằng ngày.
KNNTL - Số 102 - Em Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - Ngày 17/7/2013
Hôm nay, chúng ta cùng chia sẻ hoàn cảnh khó khăn của em Nguyễn Thị Ánh Nguyệt ở xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ. Cách đây 6 năm , Nguyệt đang học lớp 6 thì cha lâm bệnh nặng và qua đời. Tiếp đó mẹ bị tai biến, rồi mắc thêm bệnh lao phổi. Nhà có 4 người con. Hai chị gái lớn của Nguyệt nghỉ học vào miền Nam lao động. Còn đứa em gái thì mắc bệnh tự kỷ. Vì quá ham học, nhưng nhà lại không có điều kiện, Nguyệt đã xin tiền bà ngoại mua heo con về nuôi. Em tự tay nuôi heo lớn, rồi bán lấy tiền lo cho việc học. Thấm thoát đã 6 năm trôi qua, sắp bước vào lớp 12, Nguyệt tiếp tục nuôi ước mơ của mình nhờ những đồng tiền dành dụm sau mỗi lần bán một lứa heo.
Ngày 24/07/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình Nguyệt
Mới đây, gia đình được hỗ trợ xây dựng được một căn nhà đại đoàn kết. Nguyệt đang lo tiền thuốc cho mẹ, nuôi heo dành dụm tiền trang trải cho mấy mẹ con và chuẩn bị cho năm học cuối cấp 3. Năm học tới, nếu thực hiện thành công giấc mơ thi đỗ đại học, có lẽ Nguyệt sẽ không có điều kiện để nuôi heo. Tới lúc đó, không biết em xoay xở bằng cách nào.
Nuôi heo làm kinh tế, một công việc bình thường của người lớn, nhưng với lứa tuổi học sinh như Nguyệt, em phải nỗ lực thật nhiều để không làm ảnh hưởng tới việc học. Và chưa kể, em còn chăm sóc cho mẹ bị bệnh, rồi quay sang chăm sóc đứa em bị bệnh tự kỷ.
Để tiết kiệm tiền mua thức ăn nuôi heo, Nguyệt tự trồng rau lang trong vườn nhà. Thấy em chịu khó từ năm lớp 6 đến giờ, bà con trong xóm rất thương. Tới vụ mùa, người cho em lúa lép, người cho em ang bắp, giúp em xay cám nuôi heo.
Lứa heo này Nguyệt nuôi từ đầu hè. Bộ đồ, đôi dép, tiền học thêm, em đều trông chờ vào đó.
Em Thu 13 tuổi, suốt ngày chỉ quậy phá. Bà Bông không còn sức để trông giữ em Thu, mọi việc cũng đều nhờ vào Nguyệt.
Năm học cuối phổ thông có quá nhiều thách thức đối với Nguyệt. Thời gian tập trung cho việc học khá nhiều. Bệnh tình của mẹ rất nặng, phải điều trị dài ngày.
Chưa biết em sẽ vượt qua nghèo khó bằng cách nào để theo đuổi giấc mơ trở thành cô giáo.
Nguyệt đã sớm tự lập, việc tự mình nuôi heo để trang trải cuộc sống đã giúp em vững bước tới trường từ lớp 6 cho đến lớp 12. Nhưng khó khăn trong năm học 12 sắp tới là phải tập trung học tập, trong khi hằng ngày em phải xoay vòng đủ mọi việc trong nhà. Những hỗ trợ của nhà hảo tâm từ thời điểm này sẽ là niềm động viên giúp em Nguyệt có thể chạm đến ước mơ được vào đại học ngành sư phạm.
KNNTL - Số 100 - Gia đình anh Trần Thanh Hồng - Ngày 3/7/2013
Hôm nay là kết nối những tấm lòng số 100. Số đầu tiên vào tháng 8/2011, và đến nay, qua 100 số, đã có 115 gia đình nghèo được kể trong chương trình.
Trong gần 3 năm qua, 115 gia đình nghèo được kể trong chương trình kết nối những tấm lòng đã nhận được tổng cộng gần 2 tỷ đồng tiền hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau. Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam – Vinasoy hỗ trợ 850 triệu đồng. Quỹ vì người nghèo của tỉnh hỗ trợ 167 triệu đồng. Riêng khán giả truyền hình trong và ngoài tỉnh hỗ trợ hơn 930 triệu đồng.
Thật ấm lòng khi những gia đình nghèo nhận được biết bao tình cảm yêu thương của cộng đồng. Từ câu chuyện khó khăn của những gia đình, chúng ta đã kết nối được nhiều tấm lòng vào vòng tay rộng lớn mang tên nhân ái. Trong số 850 triệu đồng chia sẻ cho hơn 100 gia đình đã kích thích lên nhiều tia hy vọng, giúp đỡ hàng chục người được chữa lành bệnh, giúp cho những bữa cơm có thịt cá, giúp cho nhiều nỗi cô đơn được sưởi ấm trở lại. Chúng ta đã không vô cảm. Vòng tay của chúng ta đã là một vòng tròn, không có điểm khởi đầu và cũng không có điểm kết thúc.
Kết nối những tấm lòng kỳ này là câu chuyện về gia đình anh Trần Thanh Hồng, ở xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa. Cuối năm ngoái, trong lần sinh con thứ 4, vợ anh Hồng bị tai biến sản khoa, chị qua đời tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Đứa con may mắn được cứu sống, nhưng chỉ nặng chưa tới 2 ký. Một gia đình đang yên ấm đã khuyết đi người vợ hiền đảm đang, khuyết đi người mẹ của 4 đứa con thơ dại. Viện phí cả trăm triệu đồng để cứu chữa, nhưng không cứu được vợ, anh Hồng giờ phải xoay xở cách nào đây để kiếm tiền trả nợ và nuôi 4 đứa con. Khó khăn của người cha 39 tuổi, một mình gồng gánh nuôi 4 đứa con, và chuỗi ngày dài còn phía trước
Hai đứa con đầu đang học cấp 2. Còn em Trang sang năm lên lớp 4. Bà con hàng xóm ai cũng lo việc học của 3 đứa con anh Hồng sẽ bị ngắt quãng theo thu nhập bấp bênh của người cha.
Tuổi thơ của các em quá nhiều thiếu hụt, và đang cần những vòng tay nhân ái
Cháu Đạt 6 tháng tuổi đang bị suy dinh dưỡng nặng. 6 tháng nay, cả cha và mấy đứa lớn phải chắt bóp chi tiêu để dành tiền mua sữa cho cháu Đạt. Ngày khai giảng của 3 đứa lớn sắp đến rồi, và nợ nần nhiều nơi chưa biết cách nào để trả.
Ngày 10/07/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình anh Hồng
KNNTL - Số 101 - Gia đình ông Trần Qui - Ngày 10/7/2013
Hôm nay chúng ta cùng chia sẻ với hoàn cảnh gia đình ông Trần Qui, ở thôn Hòa Vinh, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành.
Ngày 17/07/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình ông Qui
Trong vòng 7 năm, gia đình ông Hòa phải 2 lần hứng chịu tai ương. Trước đây bà Vàng vợ ông Qui là trụ cột của gia đình, vì ông Qui bị mất sức lao động do cụt một chân. Năm 2007, bà Vàng qua đời vì tai nạn giao thông. Từ thời điểm đó, kinh tế gia đình bắt đầu tụt dốc. Ở quê không làm ra tiền, ông Qui lặn lội vào TP. HCM bán vé số nuôi con ăn học. Nhưng tiền ông kiếm được không chu cấp đủ cho 3 đứa con. Em Trần Thị Kim Ánh, là con gái đầu, học đến lớp 10 thì nghỉ. Đến lượt em Trần Văn Dậu đang học lớp 8 cũng nghỉ học theo cha vào Sài Gòn kiếm sống. Năm ngoái, đứa con út là em Trần Văn Duy chuẩn bị học lớp 10 cũng đành nghỉ học vì gia đình quá khó khăn. Chưa dừng lại ở đó, đầu năm nay ông Qui phát hiện bị ung thư quai hàm, vậy là mọi nỗ lực chèo chống, đưa gia đình vượt qua khủng hoảng của ông đã chìm vào vô vọng.
Ánh là con gái đầu của ông Qui, em đã có chồng và lập nghiệp ở Tp. HCM. 2 vợ chồng làm nghề may không mấy dư giả. Cha đau nặng, nhập viện ở bệnh viện Ung bướu. Thiếu người săn sóc, Ánh nghỉ làm vào bệnh viện nuôi cha.
Điều trị ở bệnh viện cạn tiền, ông Qui về Quê đã hơn nửa tháng, Ánh cũng theo cha về quê để phụ với đứa em.
Em Duy lúc trước cũng vào Tp Hồ Chí Minh vừa làm vừa học nghề may. Cha đau nặng, em cũng nghỉ làm giữa chừng
Nhà có 3 chị em. Ở nhà hiện giờ có Ánh và Duy. Người con thứ 2 của ông Qui là em Trần Văn Dậu đang làm thuê ở tỉnh Lâm Đồng. Em chưa kịp về nhà, vì phải ráng làm để kiếm tiền gởi về quê lo thuốc thang cho cha.
Về phần Duy, em nghỉ học vì thấy cha bán vé số ở TP. HCM quá vất vả. Không được học như bạn bè, em ước mơ được học trường nghề, nhưng mọi ước mơ đành gác lại.
Duy nói:Thấy ông ba đi làm bán một tháng không được bao nhiêu với lại anh đi làm không được bao nhiêu, chị thì có chồng nên em nghỉ học. Nếu học thì cũng học nửa chừng rồi bỏ chứ học không tới nơi. Em trông cho ba khỏe, ở đây uống thuốc cho hết năm, ba bớt thì em mới vô, chứ chưa vô được.
3 đứa con học hành dở dang vì gia đình không đủ lo, các em phải sớm lao vào kiếm tiền cùng cha tàn tật để đủ sống. Giờ cha bị ung thư những đứa con quay về để cùng chăm sóc cha. Sự túng thiếu đã để những cơn đau hành hạ ông Qui.
KNNTL - Số 99 - Gia đình anh Nguyễn Văn Mai - Ngày 26/6/2013
Hoàn cảnh khó khăn của kết nối những tấm lòng tuần này, là gia đình anh Nguyễn Văn Mai, ở tổ dân phố 1, thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng. Vợ chồng anh Mai vốn đã nghèo. Sinh con ra, con lại bị bệnh động kinh. Hơn 2 năm qua, vợ chồng anh Mai phải bỏ việc nhà, đưa đứa con trai 3 tuổi đi hết bệnh viện này, đến bệnh viện khác chữa trị, nhưng bệnh vẫn chưa khỏi. Vào ngày 20 tháng 6 vừa rồi, khi chở con từ huyện Trà Bồng xuống Bệnh viện Đa Khoa Quảng Ngãi để khám bệnh, vợ chồng anh Mai lại bị tai nạn giao thông. Gia đình đang khó khăn gặp tai nạn lại càng nguy khốn.
Anh chị có 2 đứa con là Cháu Mỹ Duyên 6 tuổi và Hùng 3 tuổi. Bệnh động kinh khởi phát từ lúc Hùng 12 tháng tuổi. Bình thường em có thể chơi đùa. Nhưng khi lên cơn co giật, thể trạng em rất yếu. Làm ra bao nhiêu tiền, cha mẹ cũng tập trung lo cho Hùng. Mỗi lần đưa Hùng điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, hay vào bệnh viện Nhi đồng 1, nội tiền đi lại và chi phí ăn uống suốt cả tuần còn gấp đôi, gấp 3 số tiền công cha mẹ Hùng làm ra.
Sau vụ tai nạn giao thông, anh Mai chồng chị Hiếu bị nặng hơn, hiện giờ đang điều trị ở bệnh viện tỉnh. Chị Hiếu bị trầy xước ở bàn chân thì tự điều trị ở nhà. Lúc trước, mỗi khi cháu Hùng lên cơn co giật, có 2 vợ chồng cùng lo cho con. Giờ lâm vào cảnh này, chị Hiếu tự lo cho mình rồi quay lại canh chừng con.
Chị Trần Thị Chí Hiếu: Mình dành dụm để con ăn học, mua sắm. Mà con đau miết vậy đó. Con mà chuyển Quảng Ngãi, là mượn và vay, rồi sau này trả dần. Bác sỹ nói bệnh có thể chữa khỏi mà 1 đến 2 năm, tùy theo mức độ, 6 tuần tái khám một lần, như vừa rồi, tới bữa 20 là tái khám mà em bị vầy không ai đi được hết. Với lại còn thuốc, mình cho uống, bớt lúc nào đi lúc đó.
Em cũng ốm yếu, ảnh cũng ốm yếu nữa, em thỉnh thoảng cũng đau miết. Vừa rồi xuống Quảng Ngãi khám là bị tim đó. Bị rối loạn nhịp tim, uống thuốc vừa xong, rồi đi khám bệnh cho con là bị vầy.
Vô bệnh viện mình thấy con mình sốt, mình đã nóng lòng, không ăn uống gì được, co giật, phì bọt ra đó, bác sỹ làm mọi cách cho nó khỏi cắn lưỡi, tự nhiên mình thấy không biết làm sao, chỉ biết khóc, nói với bác sỹ cứu con.Tối ngủ mình lo phập phùng, lo kẹp nhiệt độ cho nó, nhiều đêm nửa đêm là nổi sốt, 2 vợ chồng phải lo, có khi nhập viện lúc nửa đêm. Công việc cũng bao nhiêu đó, làm cũng không có sức mà làm. Ráng được lúc nào hay lúc đó, mình nản thì lấy gì lo cho con. Mình muốn vươn lên thoát nghèo, mà con bệnh miết, lo chạy chữa cho nó, hơn nữa làm cũng chỉ đủ trang trải qua ngày, cũng không dư giả nhiều
Về phần anh Mai, từ ngày nhập viện đến giờ, ở bệnh viện chỉ có một mình anh. Thấy hoàn cảnh xui rủi của anh Mai, những người cùng phòng bệnh đã giúp đồ ăn, thức uống. Những thủ tục ở bệnh viện cũng đều có người phụ giúp anh Mai.
Trong lúc xảy ra tai nạn giao thông, người gây tai nạn thì đã bỏ chạy. Thương tích, anh Mai tự lo. Sau đợt này, gia đình lại gánh thêm một đống nợ
Vợ chồng anh Mai chị Hiếu chỉ ngoài 30 tuổi, ở tuổi lao động, nhưng hai vợ chồng đều ốm yếu, mà cuộc sống và nỗ lực thoát nghèo của vợ chồng luôn gặp bất trắc.
Theo định kỳ, cứ một tháng rưỡi, 2 vợ chồng dẫn cháu Hùng vào bệnh viện Nhi đồng 1 ở Tp. HCM một lần để điều trị bệnh động kinh. Vụ tai nạn vừa rồi, gia đình đã lỡ hẹn một chuyến điều trị cho con. Và trên đà túng quẫn này, có lẽ bệnh tình cháu Hùng khó chữa khỏi.
Ngày 03/07/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình anh Mai chị Hiếu
KNNTL - Số 98 - Chị Nguyễn Thị Kim Tùng - Ngày 19/6/2013
Kết nối những tấm lòng tuần này là hoàn cảnh của vợ chồng anh Bùi Tấn Linh và chị Nguyễn Thị Kim Tùng, ở xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành. Chị Tùng 30 tuổi, mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống đã hơn 5 năm. Suốt thời gian vợ bị bệnh, anh Linh đã tận tình chăm sóc cho vợ và đứa con trai. Vợ ở nhà thì anh tranh thủ đi làm thuê kiếm tiền lo thuốc thang. Vợ đi bệnh viện thì anh chỉ còn cách xoay xở là vay mượn. Cuộc sống ngặt nghèo, nhưng anh Linh luôn là niềm động viên, làm điểm tựa cho vợ vượt qua bệnh tật.
Ngày 18/06/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình anh Linh, chị Tùng
Bao nhiêu tài sản hai vợ chồng tạo dựng nên, đã hết sạch từ năm đầu tiên trị bệnh cho chị Tùng. Qua năm thứ 2, rồi kéo dài cho đến năm thứ 5, gia đình bắt đầu lâm vào cảnh nợ nần.
Chồng không quản vất vả, làm ngày, làm đêm kiếm tiền lo thuốc thang cho vợ, lo việc học hành cho con.
Anh Bùi Tấn Linh: Ban đêm làm ca, ban ngày đi làm thêm, lót sàn, anh em bạn làm thông cảm cho mình làm một buổi. Vợ có sốt quá, thì cũng ngắt thời gian làm lại, chứ không làm được nữa.
Đôi lúc sợ vợ con mất niềm tin, không kéo dài được cuộc sống. Nhưng cũng có khi mệt, rồi lại ráng để vượt qua tất cả. Đi về vợ chồng vui vẻ hơn. Nhiều lúc vợ biết được tình cảnh không có tiền, rồi từ chối trị bệnh. Mình thấy từ chỗ đó phải cố làm sao cho có tiền. Lúc trước còn có thời gian nghĩ xả hơi. Mấy năm gần đây không còn chỗ bám víu. Chỉ bám vào thực lực của mình.
Bản thân hiện tại thấy khó quá, chỉ trông vào sự may mắn của mình. Bà con cũng hỗ trợ, vừa rồi chị em ở chợ cũng đóng góp vô. Ở bệnh viện về là đi liền, mình xoay không kịp.
Làm công thì có hạn, chỉ có sút hơn chứ không bao giờ lên được. Động lực chính là người vợ của mình.
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống mà chị Tùng đang mắc phải đang bắt đầu biến chứng. Gan và phổi bị ảnh hưởng. Và bệnh đã phát triển sang hội chứng Raynaud, gây hoại tử các đốt ngón tay và chân.
Vợ bệnh mỗi ngày nặng thêm, anh Linh vẫn hy vọng vào con đường duy nhất là ráng làm để kiếm tiền chữa bệnh cho vợ, và luôn tận dụng thời gian rảnh rỗi ít ỏi bên cạnh để động viên vợ. Một niềm an ủi lớn của vợ chồng anh Linh là người mẹ anh đã rất tận tình chăm sóc con dâu mỗi khi anh Linh đi làm.
Tiền công anh Linh làm mỗi ngày, chỉ đủ cho chị Tùng uống thuốc nam dạng viên để ức chế cơn đau.
Món nợ vay mượn hơn 50 triệu đồng để chữa trị bệnh trong thời gian qua, đang cản trở những tia hy vọng chữa khỏi bệnh cho chị Tùng. Mà bệnh tình thì đã đến hồi biến chứng, gây hoại tử chân tay.
Hoàn cảnh đầy thương tâm của gia đình anh Linh và chị Tùng đang rất cần nhiều sự hỗ trợ của cộng đồng chúng ta.
KNNTL - Số 97 - Chị Nguyễn Thị Tuyết - Ngày 12/6/2013
Hôm nay, kết nối những tấm lòng xin được kể câu chuyện của chị Nguyễn Thị Tuyết, ở thôn Thanh Trà, xã Bình Khương, huyện Bình Sơn. Chị Tuyết 35 tuổi. Năm 19 tuổi, chị phát hiện bị suy tim độ 3. Đằng đẵng 16 năm nay, chị chống chọi với những cơn đau của bệnh tim hành hạ. Và trong suốt thời gian đó, người cha của chị là ông Nguyễn Bình đã đỡ đần cho chị từng công việc trong nhà. Ông Bình đưa chị Tuyết đi chữa bệnh khắp các bệnh viện, trong khi ông lại bị cụt một chân. Tình cha con giữa người cha già yếu, khuyết tật và người con gái bị bệnh đã là một câu chuyện cảm động ở vùng quê nghèo Bình Khương.
Ngày 18/06/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho Chị Tuyết
Chị Tuyết luôn có một điểm tựa là người cha già. Mẹ của chị 2 mắt đã bị mờ, còn người chị gái thì bệnh thiểu năng từ nhỏ.
Chị Tuyết kể lại: 2 cha con dẫn ra Huế, ra đó được 1 tuần, họ hỏi có điều kiện phẫu thuật không, mình nói không có, họ cho về. Hơn 8 năm rồi.
Nói chung đi để họ khám mình biết hẹp hay hở, chứ nhà mình làm nông tiền đâu cho có mà chuẩn bị số tiền lớn. Chỉ ra đó mang theo đủ 2 cha con ăn ở trong một tuần, về xe thôi chứ đâu có cho nhiều.
Ông già bị cái chân hồi xưa vậy đó. Nói chung ổng bị nhiều trận đau lắm, nghĩ ổng cũng đi rồi, mà đi ra Đà Nẵng cũng đỡ. Giờ tuổi ổng 75 rồi, mà đi miết, hết lên núi, xuống ruộng. Chị thì buồn khóc một mình chứ làm sao. Mình con gái vậy mà ở nhà, còn ổng chân cẳng vậy mà lội ruộng. Có hồi rải phân mượn tùm lum không được. Chị đứng rải thì ổng không cho, sợ xỉu trong ruộng. Mà ổng nói để bưng phân, chống từng bước, từng bước rải.
Bao nhiêu công việc từ nhà ra đồng, ông Bình đều ráng làm. Nhà có 4 người, nhưng ông là người duy nhất có thể lao động, cho dù cụt một chân.
Mình thì đau ốm bệnh tật vậy, với lại mẹ thì mắt không thấy, chị ở nhà thì chỉ khờ. Bả thì 4, 5 năm nay tuyệt đối ở nhà luôn. Lần quần ở nhà chứ vô bếp cũng vô không được luôn. Mắt không thấy, vô bếp thì nó chói, không vô được. Bà già mắt mờ, rồi bị bệnh phổi, lâu lâu ho ra máu.
Công việc của chỉ thì sáng đi kiếm lá, chiều thì đi chăn bò, chứ không làm gì hết. Tới mùa vụ thì người ta đi vần công được, còn chỉ làm chậm, nên không ai kêu.
Sống khổ cực đã thành quen, ông Bình bảo, cực khổ mình chịu được, thiếu ăn cũng là chuyện thường, nhưng cái lo sợ nhất là vợ và 2 con. Cả 3 người đều bệnh nhiều năm, nhưng lỡ bệnh nặng thêm thì không biết lấy gì xoay xở.
Gia đình nghèo, nhiều người lâm bệnh nên lắm gian truân, chị Tuyết nghĩ phận mình không thể mơ về một mái ấm gia đình riêng. Sống cùng mẹ, cùng cha, và được yêu thương, đó cũng là niềm an ủi, dù cuộc đời rẽ ngang vào bất hạnh.
Cả gia đình 4 người mà ai cũng bệnh tật, người bị mù, người thiểu năng bẩm sinh, người bệnh tim, chỉ có người cha già khuyết tật một chân là trụ cột gia đình. Với mong ước chữa bệnh được cho con, ông Bình đã từng đưa chị Tuyết đi khắp các bệnh viện, nhưng cuối cùng rồi về nhà uống thuốc cầm cự.
KNNTL - Số 96 - Bà Nguyễn Thị Thịnh - Ngày 5/6/2013
Hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Thịnh, ở tổ dân phố 3, thị trấn Mộ Đức. Suốt 13 năm nuôi chồng bị bệnh, đến khi chồng qua đời, bà Thịnh lại mắc bệnh sỏi túi mật. Sau 2 lần phẫu thuật nhưng bệnh chưa khỏi, đến giờ tài sản cạn kiệt, nợ nần chồng chất, bà Thịnh chỉ còn cách sống nương nhờ bà con trong khu phố.
Bà Thịnh có chồng nhưng không sinh được con. Bà luôn đầu tắt mặt tối kể từ lúc chồng lâm bệnh hen suyễn. 13 năm chồng nằm trên giường bệnh, một mình bà Thịnh làm lụng rồi vay mượn chữa bệnh cho chồng. Năm 2009 chồng qua đời, bà gần như suy sụp và khi đi khám bệnh thì phát hiện bị sỏi trong túi mật. Lần phẫu thuật đầu tiên năm 2009, bác sỹ đặt túi dẫn ra ngoài, bà Thịnh đeo túi bên ngoài cơ thể suốt 5 năm. Mới tháng trước, bà con trong khu phố tổ chức quyên góp giúp bà đi phẫu thuật lần 2 tại bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Không còn đeo túi, bà đi đứng thỏa mái hơn, nhưng bác sỹ dặn, muốn khỏi bệnh bà không được làm nặng và phải đi bệnh viện Chợ Rẫy chữa trị một lần nữa.
Ngày 11/06/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho bà Thịnh
Bà Thịnh đã bước qua tuổi 65, mắc bệnh lâu năm, sức khỏe của bà nay đã yếu. Bà không làm ra tiền, nên bà con trong khu phố cùng nhau góp tiền mua một đàn vịt cho bà nuôi để có thu nhập. Người thì hỗ trợ vịt giống, người góp cây chuối, lúc thì thóc lép làm thức ăn cho vịt. Đàn vịt là chỗ trông cậy của bà Thịnh vào những lúc cần tiền đi khám bệnh. Cuộc sống của bà Thịnh luôn sống trong cảnh túng thiếu liên miên, đã mang bệnh lại gánh thêm nợ. Căn nhà đại đoàn kết đã giúp bà có chỗ ở khỏi nắng, khỏi dột. Nhưng nợ từ lúc nuôi chồng chữa bệnh thận, rồi nợ lúc bà đi chữa bệnh, bà con khu phố đều thông cảm giãn nợ cho bà bớt lo.
Tháng nào cũng vậy, bà chắt bóp chi tiêu trong số tiền 180 đồng trợ cấp xã hội. Bà Thịnh đã nhiều lần nghĩ quẫn, nhưng tình cảm đùm bọc của bà con xung quanh đã giúp bà tĩnh tâm, tiếp tục sống và hy vọng có một phép màu.