KNNTL - Số 115 – Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy – Ngày 22/10/2013
Kết nối những tấm lòng kì này là câu chuyện của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, ở thôn Điền Long, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa. Thời gian qua, gia đình chị Thúy liên tục gặp nhiều chuyện buồn. Chị Thúy đi khám bệnh và phát hiện bị lao phổi BK âm tính. Lúc chị Thúy bị bệnh, chồng chị là anh Bùi Kim Hùng còn khỏe mạnh, một mình lao động nuôi vợ và 2 đứa con. 2 tháng trước, anh Hùng đột ngột bị bệnh tim, cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Gia đình đã dốc hết tiền của chữa trị nhưng bệnh của anh Hùng vẫn không khỏi.
Anh Hùng qua đời trong lúc bệnh lao phổi của vợ đang trở nặng, còn đứa con gái đầu thì nhận được tin đậu đại học Bình Dương.
Ngày 22/10/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình chị Thúy
Gia đình chị Thúy quá nghèo, bà con hàng xóm và họ hàng nội ngoại phụ giúp lo đám tang cho anh Hùng, rồi gom góp tiền giúp em Thoa, con gái của chị Thúy nhập học. Chồng mất, con gái lớn đi học đại học, con trai út cũng vừa đi Tp HCM tìm việc làm thuê để kiếm tiền nuôi mẹ. Ở nhà, một mình chị Thúy chống chọi với bệnh tật mà xung quanh không có người thân.
Chị Thúy bị bệnh lao phổi hơn 2 năm nay. Nhà không còn ai, chị điều trị ở bệnh viện chỉ có một mình. Lâm bệnh nặng mà thiếu tiền bồi dưỡng, chị suy nhược cơ thể từng ngày. Chị Thúy đi bệnh viện, ở nhà chị nhờ hàng xóm lo hương khói cho chồng. Tấm lòng đùm bọc của bà con hàng xóm, đã an ủi phần nào cho gia cảnh quá đỗi nghẹt nghèo của chị Thúy.
Bà con ở gần kể lại, lúc lo đám tang cho anh Hùng mà trong nhà hầu như không có đồ dùng. Bà con người cho mượn bộ lư đồng để làm bàn thờ, người cho mượn bộ bàn nghế, cả xóm nghèo cùng nhau gom góp tiền lo hậu sự.
Lo xong đám tang cho chồng chị Thúy, bà con hàng xóm lại quay sang động viên đứa con gái đầu lòng của vợ chồng chị Thúy vượt qua đau thương để đến trường nhập học. Em Thoa đang học ngành luật kinh tế, Trường đại học Bình Dương.
Tình làng nghĩa xóm đã làm vơi đi phần nào khổ ải của một gia đình, và chắp cánh tương lai cho một tân sinh viên nghèo.
Chúng tôi ghi hình bà con ở thôn Điền Long chuẩn bị đi bệnh viện thăm chị Thúy trong những ngày bão số 11 ập vào Miền trung. Những ngày mưa bão. Tấm lòng tương thân tương ái của hàng xóm láng giềng, đã đến bên chị Thúy, sưởi ấm lòng người phụ nữ gặp quá nhiều gian khó.
Bệnh tình chưa khỏi, con gái lớn thì đang học đại học năm đầu ở tỉnh Bình Dương. 41 tuổi, chị Thúy đang gắng gượng vượt qua những tháng ngày túng quẫn không lối thoát.
KNNTL - Số 113 – Em Nguyễn Thị Xuân Hương – Ngày 08/10/2013
Trong các kì thi đại học, chúng ta đã nghe nhiều câu chuyện rơi nước mắt về những em học sinh nhà quá nghèo, nhưng vẫn ráng đi thi đại học. Đến khi đã có kết quả đậu đại học thì chúng ta đến nghẹn lòng khi nhiều em đành gác lại giấc mơ do không có tiền để đi học. Kết nối những tấm lòng tuần này xin chia sẻ đến các bạn câu chuyện của em Nguyễn Thị Xuân Hương, ở xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa. Em đã nhận giấy trúng tuyển của 2 trường đại học, nhưng không dám đi học vì Hương sợ người cha bị khuyết tật không còn đủ sức khỏe để làm lụng. Trong nhà còn có một người chị gái và một đứa em trai đang bị bệnh vì di chứng của chất độc da cam/dioxin.
Ngày 08/10/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình em Hương
Đầu tháng 10, các bạn cùng trang lứa đậu đại học đã lần lượt vào trường nhập học, còn Hương, em đã có giấy báo của Trường đại học Sài Gòn và Trường đại học Đông Á, nhưng đành phải ở nhà.
Hương có đứa em trai bị di chứng chất độc da cam cũng vừa mới nghỉ học giữ chừng. Việc học hành khép lại, hai chị em Hương và Hải cùng chung nỗi buồn. Ba của Hương định bán bầy vịt 10 con để có tiền cho em nhập học, nhưng ngày giỗ mẹ sắp tới, mùa mưa cũng đã đến rồi, sợ cảnh thiếu ăn cận kề, em không nỡ để ba bán đi nguồn sống của gia đình.
Mẹ của em Hương qua đời đã 7 năm, cũng chừng ấy thời gian, người cha phải một mình gánh 2 vai để lo từng bữa ăn cho cả nhà.
48 tuổi, sức khỏe của người cha đang bệnh tật ngày một yếu dần:
Con nó học thì mình cố gắng lo cho nó ăn học 3 năm cấp 3, năm nào cũng tiên tiến. Giờ nó thi có điểm cũng đậu, hoàn cảnh không có tiền lo cho nó học. Cũng nói với nó là con thông cảm, gia đình mình khổ quá, mẹ mất sớm chứ còn thì cũng đỡ. Con phải cố gắng, nghỉ học lo với ba, giúp đỡ với ba, làm phụ gia đình nuôi mấy đứa bệnh tật. Chứ bây giờ làm sao. Tội cho nó, uổng là thi đậu mà không được đi học. Anh cũng nghe họ nói học 4 năm đại học tốn tiền nhiều lắm, cái thì tiền ăn, tiền trường, tiền ở, chi phí nó nhiều nên cũng nói trước cho nó. Để mai sau lớn lần…mà nó cũng biết gia đình quá khó khăn, nên là không đủ điều kiện đi học.
Con bé với thằng cu nó bệnh, vừa sửa xe vừa giữ. Thằng cu học nó chậm phát triển quá, nó không biết gì hết. Thầy cô nói để nó học, nhưng học 4 năm lớp 5 mà không lên lớp, vừa rồi cho nó nghỉ.
Tối lại suy nghĩ về con không thôi. Mai này mình già, bệnh tật vầy mà con thì đau ốm ai nuôi đây
Mùa mưa bão như chực chờ kéo đổ mái nhà đã quá cũ nát. Anh Nguyễn Văn Anh, cách đây 4 năm bị u phổi, giờ sức khỏe đã yếu dần, anh chỉ lo được cái ăn cho 3 đứa con, còn chuyện lo tiền cho con gái đầu đi học, đã là quá sức đối với anh lúc này.
Anh đau miết, mua thuốc uống miết mà đâu dám nói với con, sợ con nó buồn. Sợ nó nói sao ba đau hoài vậy, không lo làm ăn mà đau miết. Anh đau ráng chịu trong người, nói ra không khéo con nó buồn, nó sanh bịnh thì tội con.
Hương không thể đến được giảng đường đại học với hoàn cảnh gia đình như hiện tại. Gia đình đang chạy ăn từng bữa một. Cha thì bị khuyết tật vừa mắc bệnh phổi. Chị gái lại vừa phát hiện bị u ác tính. Còn đưa em là nạn nhân của chất độc da cam/ dioxin.
Tương lai của Hương sẽ được chắp cánh nếu như lúc này em có một khoản tiền để nhập học. Thời điểm nhập học theo giấy báo của các trường đại học em đã đậu chỉ còn tính từng ngày.
KNNTL - Số 114 – Chị Đặng Thị Mỹ Dung – Ngày 15/10/2013
Hoàn cảnh khó khăn trong kỳ này, chúng tôi xin được chia sẻ câu chuyện của ba mẹ con chị Đặng Thị Mỹ Dung ở thôn Thế Lợi, xã Tịnh Phong - Sơn Tịnh. Hình ảnh người mẹ trẻ chở theo đứa con nhỏ đi bán vé số dọc trục quốc lộ 1A đoạn qua xã Tịnh Phong đã trở nên quen thuộc với người dân gần 1 năm qua. Từ lúc chồng mất, một mình chị Dung gồng gánh nuôi 3 con nhỏ. Đứa lớn nhất mới học lớp 2 và đứa nhỏ mới gần 1 tuổi.
Một ngày của gia đình chị Đặng Thị Mỹ Dung. Chồng chị đã mất cách đây 7 tháng vì bệnh ung thư. 7 tháng nay, không có chồng, một mình chị tất bật với ba đứa con nhỏ. 35 tuổi, nhà lại không có ruộng vườn, 3 đứa con suýt soát tuổi nhau. Khi người đàn ông, trụ cột chính trong gia đình không còn nữa, đi làm thì không biết gửi con cho ai, chị đành phải mang theo đứa con nhỏ đi bán vé số.
Ngày 15/10/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình chị Dung
Chị Dung nói: Bây giờ biết làm sao, thì đi bán để nó ngồi phía trước vậy đó. Kiếm tiền về lo cho 2 đứa kia ăn học, tiền mua sữa cho con này. Bán 1 tờ mới lời được 1 ngàn, ngày bán đâu có được bao nhiêu đâu...
Bán vé số dọc con đường quốc lộ 1A ở khu vực gần nhà, mỗi ngày bán không được nhiều. Nhưng chị lại không thể đi xa vì còn hai đứa con nhỏ ở nhà. Dù nhiều người thương cho hoàn cảnh của chị, mua giúp chị vài tờ vé số, nhưng số tiền kiếm được, không đủ lo cho mỗi bữa ăn của cả gia đình.
Một người dân nói: Cô thấy 2 mẹ con nó đi bán đường này hoài. Tội cho đứa nhỏ, trời nắng thì không sao, trời mưa tội lắm. Hôm cô thấy tội quá, cho 50 ngàn, nhưng cũng không đủ vào đâu, nên mỗi lần mua cho nó vài tờ vé số. Mong sao cho mẹ con nó khỏe mạnh, chứ đi như vầy con nhỏ mà bệnh thì không biết sao.....
Bé nhỏ con chị Dung được đặt tên là Thương Mến. Cha mất, bé phải sớm quen với bụi đường, nắng mưa cùng bước đường mưu sinh của mẹ.
Em Trần Đức Minh, đang 7 tuổi, và em Trần Thị Mẫn, 6 tuổi. Hai đứa trẻ đã quen với việc đi học về khi mẹ và em gái vẫn chưa về.
Buổi trưa mẹ chưa về thì tụi con nấu nước uống cho hết đói rồi đi ngủ, khi nào mẹ về mẹ nấu cơm ăn.
Một ngày nữa lại bắt đầu, và vòng quay vốn dĩ đã quá quen thuộc. Cô con gái nhỏ, vẫn theo mẹ rong ruổi ở các ngả đường với những tờ vé số, để cùng mẹ cố kiếm tìm những bữa cơm có thịt cá cho bốn mẹ con.
Và hai đứa con lớn của chị Dung, đứa lớp 1, đứa lớp 2, mỗi buổi đi học về, lại phải uống nước cho đỡ đói để đợi mẹ về mới nấu cơm.
KNNTL - Số 112 – Bà Đỗ Thị Sự – Ngày 01/10/2013
Hành trình vượt qua nghèo khó của cậu học trò quê ở xã Tịnh Thọ gắn liền với những tờ vé số.
Nguyễn Ngọc Ninh (nói cách đây 4 năm): Bán vé số kiếm tiền để đi học, nếu không đi bán vé số thì chắc em nghỉ học.
Hình ảnh của 4 năm trước, lúc đó Nguyễn Ngọc Ninh chuẩn bị vào học 9. Buổi đi học, buổi bán vé số, cứ thế em đã nuôi ước mơ được đi học hết phổ thông. Và bây giờ, Ninh đã học lớp 12, ước mơ được bước chân vào một giảng đường đại học đang được Ninh viết tiếp trên những tờ vé số.
Tại góc phố này, 4 năm trước chúng tôi đã gặp Ninh, em khác bây giờ về vóc dáng, còn cuộc sống mưu sinh không thay đổi dù đã 4 năm rồi.
Ngày 01/10/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình Bà Sự
Ninh có có 3 anh em. Mẹ bị bệnh tâm thần phải ở bên nhà ngoại. Người cha thì bỏ quê đi biền biệt không về, 3 anh em cùng bà nội nương tựa nhau sống tính ngày, tính tháng.
Cách đây 4 năm, nhắc đến những đứa cháu có cha mẹ mà sống như trẻ mồ côi, bà Sự không giấu được niềm xúc động. Giờ tuổi già sức yếu, nghĩ đến 3 đứa cháu sống đời lam lũ, bà cũng không nén được lòng.
Bà Đỗ Thị Sự: Tội….không có bà nội thì làm sao nó làm nó ăn, nó đói thì đi kiếm kia kiếm nọ vất vả cuộc đời nó.
Đang mùa mưa. Ngoài vườn có rau dại. Những bữa cơm rau của những đứa trẻ thiếu bàn tay đỡ đần của cha mẹ. Cuộc sống kham khổ đã gần chục năm trời, bà nội thì đã già, cháu thì còn nhỏ dại, vậy mà việc học hành của các em chưa một lần bị ngắt quãng. Ninh và Hồng đều học trường THPT Sơn Tịnh 1, đứa em út Nguyễn Thái Hòa giờ cũng đang học lớp 6 ở quê.
Bà Đỗ Thị Sự: Quần áo họ cho thằng nhỏ, con lớn nẫu cũng cho quần áo đi học. Sách vở thì bà con chòm xóm cho. Ở ngoài xã vô cho lần mấy ram để nó đi học. Đi học đứa nào cũng được tiên tiến.
Bà trông là sống được ít năm nữa, đặng cho cháu bà nó học, ra trường như thế nào bà mừng, bà yếu đi thì cháu bà vất vả nữa.
Sớm mai đi học có bữa chế gói mì tôm ăn, có bữa đi đói. Nó học đến 11 giờ rưỡi, về đến nhà 12 h.
Thằng cu Hòa nó học cấp 2 còn nghỉ được nhiều. Còn thằng Ninh với bé Hồng nó còn cố gắng học, nó nghỉ ít thôi, chủ nhật đi bán dưới thị xã một ít, bán dưới thị trấn. Nó học ban đêm nhiều, ban ngày thì lao động.
Bà tay bị thần kinh nó run, bà mổ mắt nên về nghỉ ,chứ bà còn bán ở Đà Nẵng. Bán ở Đà Nẵng gần, muốn về thì trưa lên xe chiều về tới nhà.
4 mảnh đời cơ cực sống dưới một mái nhà đại đoàn kết xây tặng. Tình cảm đùm bọc giữa bà với cháu, thành tích học tập được bồi dày lên mỗi năm là gia sản đáng quí trong một gia cảnh nghèo.
Các cháu bán ở thị xã, thành phố, còn bà nội ở ngoài đó đi bán là cầu Sông Hàn, tối lại vui lắm, đèn sáng rực, bà bán 10 giờ tối mới về.
Cả nhà đi bán vé số, bà nội bán vé số ở Đà Nẵng, những đứa cháu thì vừa buổi đi học, buổi bán vé số ở quê.
Nghị lực được rèn dũa trong gian khó đã thành nhựa sống nuôi dưỡng những đứa trẻ. Nhưng hiện giờ cuộc sống của 4 bà cháu đang lâm cảnh khó khăn hơn. Bà lại vừa mới ngã bệnh. Các cháu thì lên lớp lớn, bài vở phải cần nhiều thời gian, thu nhập vốn chỉ đủ gắng ngượng qua ngày của gia đình đang teo tóp dần. Ước mơ vào đại học của các em đang tuột xa dần.
Cả nhà 4 người đều đi bán vé số, nhưng bà Sự mới vừa phẫu thuật chữa mắt xong thì lại bị tai biến nhẹ. Cuộc sống như cứ thách thức đối với những nỗ lực của 4 bà cháu. Hai đứa lớn: Ninh và Hồng đang học cấp 3, cần rất nhiều thời gian cho việc học, nhưng các em vẫn phải vừa bán vé số, vừa đi học và lo thuốc thang cho bà nội.
KNNTL - Số 111 – Ông Đỗ Hoa – Ngày 24/09/2013
Tuần này, xin kể câu chuyện chống chọi với bệnh tật của anh Đỗ Hoa, 44 tuổi, ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh. 2 vợ chồng anh Hoa làm nghề phụ hồ, cuộc sống gia đình tạm ổn, nuôi 2 đứa con ăn học.
Ngày 24/09/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình Ông Hoa
Những 4 năm trước, anh Hoa mắc bệnh u xương, và cuộc sống gia đình từ đó khó khăn. Bao nhiêu tiền của đều đã dốc hết, rồi vay thêm nợ, nhưng bệnh của anh Hoa thì chưa được chữa khỏi và đang rất nguy kịch.
Điều trị ở bệnh viện nhiều năm mà không khỏi, cạn tiền, anh Hoa về nhà uống thuốc Nam. Cơ thể của anh Hoa giờ đã co rút. Chị Cam, vợ anh chỉ còn biết ở gần bên để an ủi chồng trong bước đường cùng của bệnh tật và nỗi túng thiếu.
Chị Phạm Thị Cam: Hàng xóm giúp đỡ, còn chị nghĩ mình lo cho gia đình mình trước tiên, ngày nào còn khỏe, ngày đó chị đi làm, đi làm miết thôi, ngày mưa gió, đau ốm gì chị cũng ráng đi. Bây giờ chị đau khớp uống thuốc hơn nữa tháng nay rồi chị cũng đi miết.
Nên chị nghĩ đi làm thì ngày nào cũng mệt, chị nhớ về 2 đứa con chị khỏe lại, chị làm cố gắng. Mình ra đi làm thì chồng lúc nào cũng mong mình trở về, chị cố gắng làm miết tối ngày rồi về với chồng với con.
Anh đau, ngày xưa ảnh mạnh đi làm bình thường, anh đau xuống đau luôn chứ không có ngày bớt.
Anh Đỗ Hoa: Ngày xưa anh nghĩ anh không khổ nữa, anh nghĩ là anh vượt qua cái khổ rồi, không ngờ đau vầy, chịu chết. Hồi kia mới có vợ làm dữ lắm, hồi đó một mình nuôi 3 vợ con mà vượt qua được, giờ đau vợ chồng làm ăn không được. Nói chung là mình phấn đấu là để cho con, thiệt thì không có con thì tính con đường khác, giờ có con thì ráng đến mức cuối cùng, xem sức khỏe mình có khá hơn không.
Sức khỏe anh Hoa quá yếu, chị Cam không thể đi làm xa. Chị xin phụ hồ ở những công trình gần nhà để thuận tiện chăm sóc chồng. Ròng ra 4 năm trời, chị Cam một mình xoay vòng với cuộc sống bộn bề thiếu thốn. Tiền công chị đi làm, không đủ lo cho 2 đứa con đang học cấp 2 và mua thuốc thang cho chồng. Túng thiếu lại đi vay mượn, nợ chồng lên nợ, bệnh u xương của anh Hoa có thể kéo dài sự sống nếu có tiền để uống đúng thuốc. Chị Cam rất cần có người chồng trong niềm an ủi. Hai đứa con của anh Hoa rất cần có cha để nhắc nhở, dạy dỗ chúng bên cạnh.
KNNTL - Số 110 – Ông Nguyễn Hữu Quí – Ngày 17/09/2013
Kết nối những tấm lòng hôm nay xin kể về hoàn cảnh gia đình ông Nguyễn Hữu Quí, ở thôn Đại An Đông 2, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành. Ông Quí và vợ đều bị tai biến. Việc ăn uống, thuốc thang đều nhờ vào người con gái, chị Nguyễn Thị My. Số phận chị My cũng gian truân. Chị có chồng, nhưng hôn nhân đổ vỡ. Năm 1998, lúc mang bầu đứa con gái mới 5 tháng, chị My phải ngậm ngùi chia tay chồng, quay về nhà sống chung với bố mẹ.
Chị My hiện giờ là lao động chính của gia đình ông Quí. Số tiền kiếm được từ nghề lượm ve chai ở bãi rác Nghĩa Kỳ chỉ đủ đắp đổi qua ngày.
Ngày 17/09/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình Ông Quí
Ông Quí bị tai biến đã hơn 5 năm. Phải gắng sức ông mới đi được vài bước trong nhà. Vợ chồng già, một người bệnh, một người khỏe thì còn nương tựa vào nhau, đằng này bà Hồi vợ ông Quí cũng bị tai biến như chồng.
Thúy là con gái chị My. Mẹ đi làm, ở nhà ngoài việc học, em còn lo chăm sóc cho ông bà ngoại.
Một mình nuôi con và chăm sóc cha mẹ già, nhiều lúc mệt mỏi vì quá sức, chị My vẫn phải âm thầm gắng gượng.
Chị Nguyễn Thị Thanh My: Tự tay tôi làm ra được bấy nhiêu, khi làm ra cũng đứt tiền, rồi con bé nó đau nặng quá, rồi mới lật đật đưa đi bệnh viện. Về tới nhà nói cái nền để tráng lại, nhưng rồi để miết đó.
Một mình chị giờ kham không nổi, con bé nó học lớp 8, sang năm lên lớp 9, lớp 10, tiền bạc còn tăng lên nữa.
Đi làm thì mắm muối qua bữa, không có gì là dư giả, đủ qua ngày cho ổng bả với con bé thôi.
Cuộc sống. Nhiều người không hài lòng với những gì mình có, vẫn luôn muốn được sung sướng hơn nữa. Với chị My, còn sức kiếm tiền mua lon gạo, sắm cho con chiếc áo dài đi học, đó là tất cả niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, là động lực để chị cố gắng từng ngày.
Ông bà khổ cực, cuộc sống của đời cháu cũng chẳng khá hơn. Những mảnh đời quẩn quanh với cảnh nghèo không lối thoát. Một gia đình có tới 2 cụ già bị tai biến. Chị My đi khám sức khỏe cũng vừa phát hiện bị bệnh tim.
KNNTL - Số 109 - Anh Nguyễn Hải - Ngày 10/09/2013
Kết nối những tấm lòng số 109 là hoàn cảnh gia đình anh Nguyễn Hải ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn. Cuộc sống thật oái ăm, bệnh tật tai ương cứ tìm đến những gia đình nghèo. Vợ chồng anh Hải đều mắc bệnh tim nặng. Trước ngày khai giảng năm học mới, vì tiết kiệm và gắng sức làm lụng kiếm tiền mua sách vở cho 2 đứa con, chị Phán vợ anh Hải đã suy kiệt cơ thể rồi đột ngột qua đời.
Vợ mất, chồng bệnh nặng, con trẻ sót lòng nhìn cha, hỏi mẹ đi bệnh viện sao lâu quá không về. Ngày khai trường, đứa con lớn lại nghẹn ngào, «Mẹ ơi, bao giờ mẹ mua cho con bộ kim thêu, để con thực hành môn mỹ thuật ».
Ngày 03/09/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình anh Hải
Từ năm học này, 2 anh em Hưng và Thịnh mãi mãi không còn mẹ. Nghèo khổ và bệnh tim quái ác đã cướp đi mẹ hiền của 2 em. Anh Hải bị bệnh tim nặng hơn cần phải phẫu thuật, dự kiến chi phí đến 110 triệu đồng. Chị Phán cũng bệnh tim, mang bệnh mà chị không dám uống thuốc. Chị cố gắng làm lụng, tiết kiệm mọi thứ cho bản thân để dành dụm tiền chữa bệnh cho chồng và lo con ăn học.
Bà con gần nhà kể lại, chị Phán đi chợ thường chỉ mua rau với thịt mỡ mà hiếm khi mua thịt nạc. Uống thuốc một ngày 4 viên hết 60 ngàn, thấy tốn tiền, chị chỉ uống nửa liều thuốc.
Tiết kiệm đến cả thuốc chữa bệnh cho mình, chị Phán suy kiệt nhanh, đến lúc bệnh nặng thì trở tay không kịp. Mọi thứ giờ lại dở dang và gia đình thêm túng khó bội lần khi chị qua đời.
Hưng, Thịnh. Đặt tên cho hai đứa con cha mẹ gởi gắm ước ao được đổi đời. Nhưng hiện tại, 3 cha con anh Hải phải gắng xoay xở từng bữa một, không biết ngày mai sẽ ra sao.
Anh Hải dù đang bệnh nặng, nhưng phải vất vả nuôi con và kiếm tiền uống thuốc cầm cự bệnh. Rất mong có tổ chức hay cá nhân hảo tâm tài trợ giúp anh Hải đi Huế để phẫu thuật bệnh tim.
KNNTL - Số 108 - Bà Đinh Thị Giỏi - Ngày 28/08/2013
Chương trình Kết nối những tấm lòng tuần này chúng ta cùng chia sẻ với hoàn cảnh của cụ bà Đinh Thị Giỏi ở xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh. Cụ bà năm nay đã 86 tuổi, bị mù đôi mắt bẩm sinh từ nhỏ. Không có chồng con, anh em họ hàng đã không còn liên lạc. Một mình một bóng ở tuổi xế chiều trong cảnh mù lòa.
Ngày 28/08/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho Bà Giỏi
Tiền trợ cấp có hạn, cụ tằn tiện từng bữa ăn. Ai cho đồng nào đều để dành mua thuốc.
Cụ bảo, có mệt cũng ráng tỉnh táo để lấn át các bệnh của tuổi già. Cụ đã mù lòa, nhỡ có nằm một chỗ thì lại nhờ đến hàng xóm, mà lâu nay hàng xóm lại giúp đỡ cụ quá nhiều.
Chị Phước, có gì ngon cũng mang qua. Có hơi ấm tình làng nghĩa xóm cũng đã đỡ bớt đơn côi
Cụ Giỏi già yếu, mắt mù, cuộc sống thiếu thốn, nghe ai nói gì cụ cũng ao ước. Cụ ước được ăn chiếc bánh bông lan, được nghe cải lương cho bớt đi hiu quạnh. Những giúp đỡ cho cụ, xin gởi về địa chỉ: Cụ Đinh Thị Giỏi, thôn Ngọc Thạch, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh
KNNTL - Số 107 - Anh Nguyễn Thường - Ngày 21/8/2013
Hoàn cảnh Kết nối những tấm lòng tuần này là một gia đình có 3 người ở thôn Phú Văn, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa. Anh Nguyễn Thường 41 tuổi bị tai nạn giao thông, 7 năm nay nằm liệt giường. Cha anh Thường là cụ Nguyễn Tráng thì bị mù đôi mắt. Còn mẹ anh đã 82 tuổi, nhưng vẫn là lao động chính nuôi sống cả gia đình. Tai nạn giao thông với nỗi đau dai dẵng đã đưa gia đình đến cảnh suy kiệt kinh tế lẫn tinh thần
Lúc trước, anh Thường có vợ và 2 con. Anh vào Tp. HCM bán vé số, nhưng chẳng may bị tai nạn giao thông làm chấn thương sọ não. Kết cục quá đau thương, anh nằm liệt giường suốt 7 năm nay. Rơi vào cảnh túng thiếu, người vợ đã dẫn 2 đứa con ra đi. Gia đình ly tán, anh Thường về ở cùng với cha mẹ. Người cha mắt đã mù hơn 40 năm
Ông Nguyễn Tráng: Tôi mà có đứa nào nho nhỏ dẫn tôi đi các chợ tôi xin tôi ăn mà sướng, thỏa mái, xách cái mền theo vậy rồi, chỗ nào ngủ cũng được. Mắt mình không thấy ngủ đâu cũng được. Nghiệt trời mưa thôi.
Mùa gặt ở quê.
82 tuổi, cụ Việt vẫn phải đi làm công đổi lấy lúa. Lo cái ăn cho cả gia đình, cụ bà đang ráng trong sức lực yếu ớt của tuổi già.
Cắt lòng sinh con ra, cụ Việt chỉ mong cho con cái trưởng thành, xây dựng gia đình no đủ. Nhưng thật oái ăm, vợ chồng cụ Việt đến tuổi già lại quay trở lại cảnh nuôi con.
Cụ Việt: Nó nằm năm nay 7 năm, vừa bị là nằm vậy, chứ không đi không đứng gì được.
Ông trời cũng có nghĩ thiệt chú, cỡ tôi cẳng chân nhứt lắm, để tôi nuôi 2 cha con ổng, trời ổng cũng có mắt. Tôi cũng vái trời vái đất, ổng đi trước, tới nó hễ tới tôi. Nếu mà tôi đi trước thì khổ lắm, ổng khổ lắm, vái trời vái đất miết.
Ông Nguyễn Tráng: Nhà Nước cho ngày 6 ngàn ăn thôi, nên tôi nói là không lãng phí, ăn sống qua ngày, bây giờ làm sao, khó lắm. Sáng không ăn, nhịn cho quen. Trưa bả múc cho tôi một chén, bỏ muỗng vô tôi xúc tôi ăn, tôi còn xúc được.
Năm ngoái năm nay tôi với bả xuống cấp, còn nói với ông thì ăn không có nổi. Ba bà con tôi nó với bả nấu lon gạo ngày ăn không hết.
Mùa vu lan.
Những ai đang còn mẹ, được cài hoa hồng sắc đỏ lên áo vào mỗi dịp lễ Vu Lan.
Anh Thường lâm cảnh rủi ro liệt người, bên anh, người mẹ đã hơn 82 tuổi vẫn đang tảo tần tuổi già chăm sóc con mỗi ngày.
Ngày 28/08/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình anh Thường
KNNTL - Số 106 - Em Nguyễn Văn Tiến - Ngày 14/8/2013
Trước thềm khai giảng năm học mới, chúng ta cùng chia sẻ hoàn cảnh của một học sinh lớp 9 có hoàn cảnh mồ côi ở xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, Em Nguyễn Văn Tiến, lúc Tiến lên 8 tuổi, tai nạn giao thông đã cướp đi người mẹ hiền. Từ khi mẹ mất, Tiến ở cùng với ông ngoại. Có lúc ăn gói mì tôm, hai ông cháu cũng chia đôi mỗi người một nửa. Cuộc sống kham khổ của 2 ông cháu cứ trôi dần qua 6 năm trời. Rồi một lần nữa, cậu bé bất hạnh này lại gánh chịu nỗi đau mất đi người thân duy nhất. Cách đây 4 tháng, ông ngoại qua đời ở tuổi 90.
Tiến đang sống bơ vơ một mình. Trẻ mồ côi, câu chuyện của em là những hồi tưởng về những ngày còn sống bên ông ngoại.
Mẹ, bà ngoại, ông ngoại giờ đã không còn. 14 tuổi, Tiến bắt đầu cuộc sống tự lập. Tuổi của em, học hành còn lo chưa xong, thì làm sao bươn chải kiếm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày
Học lớp 2 thì mẹ mất, lên lớp 8 đến lượt ông qua đời.
UBND xã Bình Hòa cùng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã lo hết mọi thủ tục cho em được vào Trung tâm bảo trợ của tỉnh, nhưng em chưa chịu rời xa ngôi nhà thân thuộc. Tiến bảo, ở lại nhà để lo hương khói cho mẹ và ông bà ngoại. Những cố gắng của em là nỗ lực vượt qua những ngày nhịn đói để đến trường, mong được sưởi ấm bằng những những hình ảnh còn sót lại trong hồi tưởng về mẹ và ông bà ngoại.
Được tiếp tục đi học, đó là ước mơ nhỏ bé của Tiến. Nhưng em thiếu thốn quá nhiều thứ. Tiến như con chim non chưa kịp rời tổ mẹ, đã bơ vơ một thân một mình.
Ngày 20/08/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho em Tiến