Không đặt

KNNTL - Số 95 - Bà Lê Thị Chiểu - Ngày 29/5/2013

 

Kết nối những tấm lòng đợt này là hoàn cảnh gia đình bà Lê Thị Chiểu, ở xã Bình Trung, huyện Bình Sơn. Chồng của bà Chiểu mất cách đây 17 năm, năm đó bà mới sinh con chưa đầy tháng. Từ khi chồng mất, bà ở chung với cha mẹ ruột, làm lụng nuôi con khôn lớn. Đầu năm nay bà Chiểu lâm bệnh tim, gom góp trong nhà và vay mượn bà con được 75 triệu đồng, gia đình đưa bà đi Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Sau 2 đợt mổ tim, tính mạng không còn nguy kịch, nhưng sức lao động của bà thì giảm hẳn. Hiện giờ công việc đồng áng đều dồn hết cho người cha là cụ Lê Thuyền, đã gần 90 tuổi. Bà Chiểu canh cánh nhiều nỗi lo, nợ bà con xóm giềng chưa biết khi nào trả hết và lo cho đứa con gái duy nhất là em Huỳnh Thị Mỹ Yến, không có đủ điều kiện để học hết cấp 3.

Ngày 04/06/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình bà Chiểu

Tuổi 50, nhưng lâm bệnh nặng. Nước chỉ xách một lần được nữa gàu, mang vác vật gì quá 5kg là bà Chiểu đã thấm mệt. 

Khi phát hiện bệnh tim bà Chiểu cố lo chạy chữa, nhưng khi điều trị bệnh rồi thì trả nợ nần chất đống

Bà Lê Thị Chiểu: Mượn thêm bà con 15 triệu, nghĩ 15 triệu là đủ đi mổ, rồi đau miết tới, tăng lên, nằm bệnh viện hung ra, chờ mổ nữa, họ cho mua toa thuốc thêm, lần lần phải mượn lên, thành ra thâm tới 30 triệu. Bữa hôm chạy ra đồng rải nắm giống, bà con la quá, mổ là mổ chỗ cái sườn, bây giờ phải làm, nhà không có người, thuê mướn thì lấy gì thuê.

Cụ Thuyền gần 90 tuổi rồi, mà cụ vẫn phải gắng gượng đi làm để giúp cho con cháu. Năm ngoái cụ bị gãy tay, khiến cụ làm gì cũng thất thế. 

Cụ Lê Thuyền: Tới đâu nó tới, được ngày nào hay ngày nấy, hết ngõ thở rồi, nợ thì đương mắc. Nắng vậy cũng ráng, nó ở nhà làm gì được, mình phải gánh vậy. Tuổi này đáng ra phải nghỉ, nhưng phải ráng, ráng để đưa đẩy qua ngày tháng. Bà con ở đây họ thương, họ làm giúp với mình, chứ một mình làm sao làm nổi. Ruộng thì họ làm 1 ngày, còn qua thì làm mất 1 ngày rưi.

Con bệnh nặng, cháu còn nhỏ. Cụ Thuyền bảo, cũng phải ráng làm lụng, áo đẫm mồ hôi, thì nhà mới có lúa, có gạo để ăn.

Giúp đỡ gia đình bà Chiểu trong thời điểm ngặt nghèo, bà con ở xóm Chí Thành, xã Bình Trung đã chung tay phụ giúp. Ngày bà Chiểu đi bệnh viện, có cụ già ở gần nhà lấy một chỉ vàng dùng để dưỡng già, đem sang cho bà Chiểu mượn. Bà con ai cũng cầu mong bà Chiểu khỏe mạnh để làm ăn nuôi cha và nuôi con ăn học.

Không phụ lòng mẹ và tình cảm bảo bọc của bà con xóm giềng, em Mỹ Yến có học lực đứng vào nhóm đầu của lớp 11C6, Trường THPT Bình Sơn. Mỹ Yến vừa giúp ông ngoại, giúp mẹ, vừa lo học tập. Bà Chiểu an tâm về con gái, biết con rất chịu khó, nhưng nhìn về chặng đường phía trước, không biết lấy gì để tiếp tục nuôi con ăn học. Khoản nợ  30 triệu tiền chữa bệnh vẫn chưa biết xoay sở thế nào.

Gia đình có 3 người sống dựa vào mấy sào ruộng, bà Chiểu sức yếu, cụ Thuyền đã gần 90. Bác sỹ dặn mỗi tháng, bà Chiểu đi bệnh viện Trung ương Huế tái khám một lần, nhưng đã nhiều lần phải ở nhà vì không có tiền.

KNNTL - Số 94 - Bà Trần Thị Chín - Ngày 22/5/2013

 

Hôm nay là một hoàn cảnh của bà Trần Thị Chín, ở thôn Mỹ Hưng, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành. Bà Chín năm nay 54 tuổi. Có người hàng xóm đã nói rằng, đoạn trường khổ ải của bà Chín chỉ có thể kể bằng nước mắt mới hết những chuyện buồn đau. Cũng vì nghèo khổ mà gia đình bà tan vỡ. Hơn 20 năm trước, chồng bà Chín bỏ nhà ra đi, để lại cho bà 2 đứa con thơ dại. 2 người con của bà lớn lên, học chưa hết tiểu học thì nghỉ học đi vào miền Nam lao động sớm. Tai nạn ập đến, người con trai lớn qua đời ở TP. HCM. Tiếp đó, năm 2009, bão số 9 đã làm sập ngôi nhà, chính quyền địa phương đã huy động vốn xây cho bà ngôi nhà cấp 4. Có được ngôi nhà mới chưa kịp vui thì đến năm 2010, bà bị ngã từ trụ rơm xuống đất, khiến cho đôi tay và đôi chân tê liệt cho đến bây giờ. Cách đây 3 năm, đến lượt người con thứ 2, là anh Nguyễn Đăng Cảng, bị tai nạn giao thông ở TP. HCM, sau đó quay về quê sống với bà. Anh Cảng cưới vợ, sinh con.  Gia đình gồm 4 người phải sống thiếu thốn trong căn nhà chật hẹp..

3 năm nay, bà Chín không đi lại được.  Đôi chân và đôi tay bị bại liệt ngày càng nặng. Gia đình nghèo, chiếc giường đã cũ mục, bà vẫn tận dụng để nằm. Tiềm là con dâu của bà Chín, con còn non tháng, Tiềm ở nhà trông con. Ngôi nhà đại đoàn kết chỉ có 2 ngăn. Một phòng dành cho vợ chồng Tiềm. Phòng khách được tận dụng kê giường ngủ của bà Chín

Anh Cảng 29 tuổi, lúc chưa bị tai nạn giao thông, ở TP. HCM, anh làm đủ nghề, bán hủ tiếu, may giày, hớt tóc, sửa xe. Sau ngày tai nạn, sức khỏe yếu đi, anh về quê ai kêu gì làm nấy. Tiền làm thuê không đủ ăn cho gia đình. 

Ngày 28/5/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho gia đình bà Chín

Người ta thường nói : Hai đứa cùng nghèo, lại đụng lấy nhau. Anh Cảng chậm tính, cưới vợ thì cả hai dù còn trẻ nhưng thêm phần lận đận, nhất là sau khi có đứa con.

Anh Cảng không biết đi xe đạp và xe máy, đi làm, hay về nhà, anh đều đi nhờ xe người khác. Đường vào nhà không có lối đi, mùa mưa lội nước, mùa nắng băng đồng mới vào tới nhà.

Một mình anh Cảng dù có nỗ lực hết mức cũng không thể đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho gia đình 4 người, mẹ lại bị bại liệt.

Nhiều lần không thể ngồi nhìn con cháu trong cảnh khổ, nhưng bà Chín cũng đành bất lực khi cả tay chân đều bại liệt

Cũng vì điều kiện quá khó khăn mà sau khi tai nạn bà Chín không được điều trị nên lâm cảnh tay chân tê liệt như bây giờ. Bà khao khát được phục hồi chức năng, để giúp đỡ phần nào công việc cho các con.

 

KNNTL - Số 93 - Bà Lương Thị Hạnh và Bà Vương Thị Sâm - Ngày 15/5/2013

Kết nối những tấm lòng hôm nay, chúng tôi xin kể về  2 hoàn cảnh ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh. Đầu tiên là trường hợp bà Lương Thị Hạnh, ở thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà. Bà Hạnh 73 tuổi, bà có một người con gái nuôi. Cả đời bà Hạnh sống cảnh nghèo, đến lượt con gái nuôi lấy chồng xa và cũng nghèo túng nên không thể đỡ đần mẹ nuôi. Hiện giờ bà Hạnh sống neo đơn trong sự cưu mang của bà con trong xóm.
Khi bóng chiều của tuổi già phủ vai, thường thì ai cũng mắc vài chứng bệnh. Còn bà Hạnh lại mắc thêm bệnh thiếu máu do ăn uống quá kham khổ, sức khỏe suy kiệt dần dần.
Hơn 3 năm nay, bà Hạnh thường xuyên bị bệnh. Bà hoàn toàn không có nguồn thu nhập. Lúc ốm đau cần thuốc thì nhờ vào thẻ bảo hiểm y tế. Còn việc ăn uống hằng ngày, bà con trong xóm phụ ai có gì phụ nấy. Vài lời hỏi han của bà con chòm xóm, cũng giúp bà bớt đi lo âu.

ket noi nhung tam long so 93 - 1
Ngày 21/5/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho bà Hạnh

Tối lửa tắt đèn, dù gia đình nèo đơn, bà Hạnh vẫn được ấm lòng nhờ bà con láng giềng. Nhưng tuổi già và không có thu nhập nên cuộc sống của bà kham khổ đến suy nhược cơ thể
Bà Hạnh sống trong cảnh thiếu thốn nên đang lâm bệnh khá nặng, mong quí vị hỗ trợ để bà có điều kiện chữa bệnh và cải thiện bữa ăn đầy đủ hơn. Địa chỉ tiếp nhận hỗ trợ: Bà Lương Thị Hạnh, thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh.

Một hoàn cảnh cũng ở xã Tịnh Hà. Trường hợp Bà Vương Thị Sâm, ở thôn Ngân Giang, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như bà Hạnh. Bà Sâm năm nay 79 tuổi, bà đang sống một mình. Cách đây hơn 10 năm, bà Sâm lâm bệnh khiến cho tay chân bị tê liệt. Hiện giờ bà đi lại hết sức khó khăn. Chúng tôi đến nhà bà Sâm vào đầu giờ chiều một ngày trong tuần, và gặp đúng lúc bà đang ăn cơm trưa.
Bà Sâm không có tiền đủ mua thuốc uống, không lấy gì mua sắm cái áo mới hay đôi dép mới.
Bà Sâm: Bà chỉ sống trong cái vườn đây, bà trồng rau lang, bà cắt rau lang đi, bó đùm đùm lại, đem bán cho bà con chòm xóm, bà lấy số tiền đó chi tiêu. Để dành dụm lại, nhiều thì mua chút thuốc, uống bồi dưỡng trong người. Số tiền nhà nước cấp đủ mua gạo.
- Có đêm bà đau lắm, khắp người ngầy ngật, bà không biết đau gì, cứ nghĩ là huyết áp cao hay huyết áp thấp gì đó. Bà cứ để tự nhiên, lên chõng nằm, đau chứ mà cựa cựa được, bà nằm thim thiếp vài tiếng đồng hồ rồi khỏe lại
- Những người ở gần đây họ nấu chén canh họ cho chén canh, họ nấu chén cháo họ cho chén cháo, họ cho gì bà ăn nấy

ket noi nhung tam long so 93 - 2
Cùng ngày, Anh Trung cũng đã đại diện Công ty đến thăm và tặng quà cho bà Sâm

Ở vùng quê nghèo và đầy ắp tình người của láng giềng. Việc nhà lặt vặt có cô Yến phụ một tay.
Nước sinh hoạt hết thì có cháu Toàn bơm giúp.
Mới tuần trước bà Sâm bị đạp gai ở chân, do tuổi già không biết cách sát trùng nên một chân đã bị hoại tử.
Có một câu chuyện được người hàng xóm kể lại, vài tháng trước, cô Mênh một nhà hảo tâm ở chợ Tịnh Hà mua gửi biếu bà Sâm 6 trứng vịt để bà cải thiện bữa ăn. Bà Sâm mừng lắm nhưng không thể ăn mà để dành. Đến ngày giỗ cha, bà mới đem luộc mấy trứng vịt này để cúng
Những hỗ trợ của các nhà hảo tâm lúc này sẽ kịp thời giúp bà Sâm có điều kiện mua thuốc, và có nguồn tiền an dưỡng tuổi già.
 

KNNTL - Số 92 - Em Nguyễn Tấn Dũng - Ngày 8/5/2013

Thành ngữ Việt Nam có câu “Họa vô đơn chí – Phúc bất trùng lai”. Tai họa không đến chỉ một lần, còn phúc, lộc, may mắn thì ít khi lặp lại.  Gia đình em Nguyễn Tấn Dũng, học sinh lớp 5, ở xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, hơn 10 năm nay, đã 3 lần gặp chuyện chẳng lành. Vào năm 2000, chị gái của Dũng là em Nguyễn Thị Hương bị bỏng lửa, gia đình phải tích cực chạy chữa mới cứu được mạng sống cho Hương. Đến cuối năm ngoái, mẹ của Dũng là chị Lê Thị Hiệp phát hiện bị u nang buồng trứng. Chị Hiệp vừa phẫu thuật u nang xong, thì 20 ngày sau, gia đình lại bàng hoàng khi hay tin Dũng bị ung thư máu.


Ngày 14/05/2013, Anh Trương Văn Trung – Bí thư Đoàn thanh niên Công ty Sữa Đậu Nành Việt Nam - VinaSoy trao tặng 10 triệu đồng cho gia đình Dũng

Vừa dẫn con từ bệnh viện Trung ương Huế trở về sau đợt xạ trị ung thư đợt 1, chưa kịp nghỉ ngơi, anh Nguyễn Tấn Anh phải nhẩm tính,  bán cái gì còn lại trong nhà và vay mượn thêm tiền mới đủ đưa em Dũng đi điều trị đợt 2.
Chị Hiệp – mẹ của Dũng đã tiều tụy hơn nhiều, sau hơn 2 tháng ở bệnh viện Trung ương Huế chăm con.
Nghỉ học một thời gian dài để điều trị bệnh, Dũng ao ước được tiếp tục đi học như bạn bè. Nhưng sách vở thân thương cũng đành gác lại .     
Kinh tế gia đình thuộc diện trung bình, sau khi chị và mẹ gặp tai nạn và bệnh tật thì kinh tế tụt dần đến diện cận nghèo. Giờ đến lượt Dũng bị ung thư, kinh tế càng tụt dốc. Đàn bò giờ chỉ còn lại 2 con. Vợ chồng chị Hiệp dự định bán luôn 2 con còn lại để dồn sức lo cho Dũng.
Thu nhập từ vài sào ruộng cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Lần tới đưa con đi điều trị  đợt 2, vợ chồng chị Hiệp lại phải thay phiên nhau, người ở bệnh viện lo cho con, người ở quê quán xuyến việc nhà.
Về phần mẹ của Dũng, chị Lê Thị Hiệp thì sau lần phẫu thuật bệnh u nang buồng trứng mất gần 10 triệu đồng, chị Hiệp ngỡ rằng đã hết bệnh trong người, nhưng kiểm tra lại sức khỏe, bác sỹ  phát hiện chị còn mắc thêm bệnh u máu trong gan.
Cả 2 mẹ con mắc bệnh nan y, rồi gánh nợ vay mượn từ bà con họ hàng hơn 72 triệu đồng đang đẩy vợ chồng chị Hiệp vào bước đường cùng.
Tai nạn và bệnh tật liên tiếp giáng xuống gia đình. Mẹ cũng cần tiền để chữa bệnh nhưng tất cả đang dồn sức lo cho đứa con đang mắc bệnh ung thư máu. Gia đình Dũng lại ở vùng quê nghèo, bố mẹ làm nông, và giờ nợ nần chồng chất.

KNNTL - Số 86 - Anh Lê Đình Út - Ngày 27/3/2013

Những câu chuyện đẹp về tình bạn, không chỉ là một thứ trang sức mà thực sự đó là một tình cảm luôn cần thiết cho cuộc sống. Một câu danh ngôn đã ví rằng, Mỗi chúng ta đều là thiên thần chỉ có một cánh, và chúng ta phải ôm lấy nhau để mà học bay. 
Tình bạn cũng được thử thách qua thời gian, và được thử thách rõ nhất qua hành động của chúng ta khi bạn bè gặp nạn.
Và đây là câu chuyện rất thật kể về tình bạn, biết chia sẻ nhau khi gặp cảnh hiểm nghèo. Anh Lê Đình Út ở tổ 22, P. Quảng Phú, Tp. Quảng Ngãi đang mắc bệnh máu nhiễm đồng. Hiện giờ, anh Út đang điều trị ở nhiều bệnh viện khác nhau. Gia đình có 7 anh chị em, nhưng trong vòng 16 năm qua, đã có  4 người qua đời vì bệnh ung thư. Mới đây nhất là năm ngoái, người anh trai kế của anh Út đã lâm bệnh rồi qua đời. Liên tiếp đón nhận những tin dữ giáng xuống gia đình, cha và mẹ của anh Út đã suy sụp. Ở bệnh viện, niềm an ủi của anh Út lúc này là hơi ấm từ tấm lòng của bà con họ hàng và bạn bè.

ket noi nhung tam long so 86
Ngày 2/4/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho già đình Anh Út

Anh Út, 30 tuổi, mắc bệnh máu nhiễm đồng. Sau khi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, mới chuyển về điều trị tiếp tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.
Mấy tuần lễ điều trị và di chuyển qua lại giữa 2 bệnh viện, bao khó khăn chồng chất vì tiền của gia đình luôn thiếu hụt. Nhưng bên anh Út có một người bạn. Anh Lê Minh vốn là bạn thân của anh trai Út. Năm ngoái, người anh đã chết, giờ anh Minh đã bỏ dở công việc riêng của mình, thường xuyên chăm sóc cho anh Út.
Không phải là anh em ruột rà, nhưng anh Minh xem Út như người em thật sự bởi anh hiểu rằng, gia đình anh Út đã chịu nhiều mất mát quá lớn. Út đang cần niềm động viên để nhóm lên những tia hy vọng
Ông Quí cha anh Út đã gần 70, ông đã kiệt sức trong hơn 16 năm qua khi các con của mình lần lượt qua đời. 
Giờ đến lượt con trai út nguy kịch trên giường bệnh, ông chỉ biết cầu trời cho tai qua nạn khỏi.
Gia đình, mỗi người chạy một nơi để làm lụng kiếm tiền và vay mượn tiền để lo chữa bệnh cho anh Út. Ở bệnh viện, anh Lê Minh tận tình chăm lo cho anh Út.
Quán bánh rập của bà Hương, mẹ anh Út chỉ giúp kiếm gạo mắm cho gia đình. Mỗi khi cần tiền thuốc điều trị thì cần đến số tiền lớn, gia đình phải lo vay mượn chỗ này ít, chỗ kia ít. Bà con trong khu phố thuộc tổ 22 phường Trần PHú luôn bên cạnh gia đình. Mười mấy năm trời, cả 4 đứa con đều lâm bệnh khi còn trẻ tuổi. Và lần nào bà cũng vay tiền để chữa bệnh cho con. Tổng cộng lại, tiền nợ hiện giờ đã lên đến gần 100 triệu đồng mà không biết kiếm đâu mà trả. Bệnh tình của anh Út lại đang cần tiền
Căn bệnh quái ác đang hành hạ người thanh niên 30 tuổi, người thứ 5 trong gia đình có 7 người con. Gia đình như đang đứng trước một núi bế tắc. Giờ nghĩ đến một khoản tiền lớn để kéo dài sự sống cho anh Út, gia đình gần như bất lực

KNNTL - Số 85 - Ông Trương Ngọc Anh - Ngày 20/3/2013

Hoàn cảnh khó khăn kỳ này là câu chuyện về Ông Trương Ngọc Anh, một nông dân 56 tuổi ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành.
Ông, một người chồng, một người cha đang kiệt sức vì gia đình có con trai bị bệnh bại não, vợ thì cùng lúc mắc 3 bệnh, hở van tim, u xơ tử cung và u nang buồng trứng.
Gia đình ông Trương Ngọc Anh có 4 sào ruộng. Vợ đau, con bệnh, một mình ông quần quật lao động suốt ngày.
- Ông Trương Ngọc Anh: ở nhà thì ăn uống cũng không yên, đi làm cũng không ổn, bệnh tình của em nó thì nặng, cô thì bệnh tim đó, cho nên chú làm hết tất tần tật.
Nghề nông thu nhập năm này cũng như năm nọ, có tính toán chi li đến mấy, ông Anh cũng không thể nào tích góp được vài chục triệu đồng chữa bệnh cho vợ.

ket noi nhung tam long so 85
Ngày 27/3/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho già đình Ông Anh

Vợ chồng ông Anh có 3 đứa con. Con gái đầu thi rớt đại học, hiện giờ đi làm thêm để tiếp tục ôn thi đại học. Đứa con gái út đang học lớp 5. Xuân là con trai duy nhất nhưng em bị viêm não bại liệt đã hơn 10 năm.
Năm nay Xuân 17 tuổi, em không tự phục vụ cho bản thân. Xuân không nói, sự im lặng của em càng làm cho nỗi khổ tâm của gia đình. Sinh con ra, là sinh thêm hy vọng, dù con bị bệnh nặng, nhưng đằng đằng 10 năm trôi qua, ông Anh vẫn kiên trì chờ đợi ngày con mình tự bước đi.    
Bà Hường vợ ông Anh sắp bước qua tuổi 50. Lúc bà còn khỏe mạnh thì vợ chồng cùng nhau làm ăn, cùng thay phiên nhau chăm sóc con. Đến khi lâm bệnh,  đành phải ngồi một chỗ với trăm mối lo toan.
Nỗ lực cả đời, ông Anh chỉ cầu mong gia đình được sống cảnh của một gia đình nông dân đủ ăn và con cái được ăn học, nhưng bệnh của con và của vợ đã lấy đi của gia đình những khoảnh khắc bình yên.
Một mình ông không thể, dù hàng chục năm trời đã thử sức.
Sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm đến với gia đình ông Trương Ngọc Anh sẽ vô cùng quí giá, để giúp ông có thêm động lực chăm lo cho vợ con.

KNNTL - Số 84 - Em Phạm Thị Thanh Tùng - Ngày 13/3/2013

Xung quanh ta vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh để chúng ta chia sẻ. Xung quanh ta cũng có rất nhiều con người đầy nghị lực để chúng ta lấy làm gương mà phấn đấu. Khi chúng ta mong ước cuộc đời không nghịch cảnh, hãy nhớ rằng: Cây sồi trở nên mạnh mẽ trong gió ngược, đó là câu nói nổi tiếng của Peter Marshall.

ket noi nhung tam long so 84
Ngày 19/3/2013, Anh Trương văn Trung – Bí thư Đoàn Công ty Sữa Đậu nành Việt Nam – VinaSoy thăm và trao tặng 10.000.000 đồng cho già đình em Thanh Tùng

Kỳ này xin kể với các bạn hoàn cảnh của em Phạm Thị Thanh Tùng, ở xã Bình Tân, huyện Bình Sơn. Tùng đang sống cùng  mẹ và chị gái. Cha của em đã mất lúc em chưa lọt lòng. Mẹ em mắc bệnh tâm thần, lúc lên cơn thì đập phá nhà cửa, có lúc thì lại lao động như người bình thường. Chị gái của Tùng bị bệnh thiểu năng, hằng ngày chỉ làm được những việc lặt vặt. Điều kiện gia đình hết sức khó khăn, nhưng Tùng vẫn vươn lên học giỏi.
Tùng đang học lớp 5, một  buổi em đi học, một buổi đi nhặt củi khô về bán kiếm tiền.
- Một bó em bán được 7.000đ. Mỗi lần đi chợ chở đi bán 3 lọn.
- Quyên (chị gái Tùng): Tới mùa ai kêu em đi làm thì em đi làm ngày kiếm vài chục ngàn.

Chị Tự mẹ em Tùng 42 tuổi, chị phát bệnh tâm thần đã hơn 20 năm. Các hội đoàn thể ở địa phương đã giúp chị điều trị ở bệnh viện tâm thần Quảng Ngãi. Nhưng đến lúc tiền cạn, ở quê 2 chị em Tùng lại thiếu ăn, chị Tự đành quay về nhà lo cho con, và bệnh chưa khỏi.
Căn nhà tình thương đã xuống cấp, do không có điện nên trong nhà lúc nào cũng âm u, ẩm thấp. Có lần câu nhờ điện người hàng xóm để thắp sáng, nhưng mẹ Tùng lại sợ ánh sáng đèn điện
Mẹ sợ ánh đèn điện, nên Tùng phải học bài dưới ánh đèn dầu.  Nhưng sống trong những mảng tối của cuộc sống gia đình, cũng không thể lung lay sự ham học của Tùng.
Em đã nghe và biết được nhiều tấm gương vượt khó học tập và tự ý thức rằng, chỉ có việc làm em mới mong có được một ngày mai tươi sáng hơn.
Chúng ta hãy cùng giúp đỡ gia đình để bé Tùng có điều kiện học hành, để mẹ em có điều kiện chữa khỏi bệnh. Biết đâu cuộc sống gia đình của bé Tùng sẽ có một trang mới từ sự chia sẻ của chúng ta. 
 

KNNTL - Số 82 - Em Nguyễn Thị Tuyết Trinh - Ngày 27/2/2013

Chia sẻ của kỳ này chúng tôi xin trích đoạn 1 lá thư rất xúc động của chị Bùi Thị Hạnh đang công tác tại Sở Lao động thương binh xã hội đã gửi đến chương trình.
“Đâu đó trong xã hội còn có những mảnh đời bất hạnh mà chúng ta chưa biết đến. Vô tình mình được biết đến hoàn cảnh khó khăn. Đó là gia đình của em Nguyễn Thị Tuyết Trinh, 11 tuổi, ở đội 15, thôn Hà Nhai Bắc – xã Tịnh Hà – Huyện Sơn Tịnh. Hiện nay em đang học lớp 5D trường tiểu học số II Tịnh Hà – Sơn Tịnh. Trinh là một học sinh giỏi, chăm ngoan được mọi người quý mến, vậy mà cuộc sống lại trớ trêu với em với bao khó khăn. Ba em là anh Nguyễn Văn Minh, 37 tuổi thường ngày đi phụ hồ để kiếm tiền nuôi gia đình. Nhưng cuộc đời không cho ba em gần mẹ con em được lâu và ba của em đã qua đời bất ngờ vào ngày 02-01-2013, vì đột quỵ trong khi lao động. Còn mẹ em là chị Nguyễn Thị Minh, 37 tuổi, sức khỏe chị rất yếu, chị lại bị bệnh hở van tim 2 lá và hẹp động mạch chủ gần 7 năm nay. 
 
Ba mất, mẹ khóc ngất trong đám tang của ba. Còn em, em quá nhỏ để biết chuyện gì đang xảy ra trong gia đình mình. Em mất đi người ba yêu thương em nhất, mất đi trụ cột của gia đình bé nhỏ của mình.Từ nay em không còn được nhìn thấy người cha thân yêu, mẹ không còn thấy được người chồng âm thầm lặng lẽ chịu đau đi làm để kiếm sống nuôi gia đình”.
 
Bệnh hở van tim trở nặng, mẹ của em Nguyễn Thị Tuyết Trinh phải đi ra bệnh viện Trung ương Huế phẫu thuật lần thứ 2. Trinh ở nhà với bà ngoại.
 
- Bà Tùng –bà ngoại bé Trinh: Trông cho má con khỏe về nuôi con.
- Em Nguyễn Thị Tuyết Trinh: Ít bữa nữa bác sỹ họ cho xuất viện, má về lên mộ đốt nhang cho ba.
2 bà cháu đang hứng chịu bao nghiệt ngã. Ông ngoại của Trinh bị tai biến đã nhiều năm. Bà Tùng lo cho chồng đã là quá sức đối với bà, vậy mà con gái thì đang lâm bệnh nặng, con rể thì đột ngột qua đời, cháu ngoại đang tuổi ăn tuổi học, lại sớm chịu cảnh đau thương.
Vừa đi học về, bé Trinh vào thẳng nhà đến thắp nhang cho ba.
-   Con đi học xong về nhà, con nấu cơm, thắp nhang cho ba.
- Em Nguyễn Thị Tuyết Trinh: Má khỏe không ngoại?
- Bà Tùng: Bữa nay đỡ đỡ, mổ hôm qua bữa nay đỡ rồi.
Em Nguyễn Thị Tuyết Trinh: Tết năm ngoái nhà con xuống ông thầy Phố, thầy cho chữ, ổng kêu mẹ con vô, nhìn tướng biết gia đình con nghèo, cho chữ phúc, đóng 2 con dấu rồi lì xì cho con 50 ngàn.
 
- Ba đi làm về lo heo, bò, rồi ba nấu cơm, con đi học về là dọn cơm ăn. Rồi mẹ con chỉ cho con học bài. Lớp 3, lớp 4, lớp 5 mẹ con không chỉ được vì bài khó.
- Con buồn lắm, mẹ con mổ lần 2 con rất là buồn, con sợ không có tiền cho mẹ con chữa bệnh. Cầu trời cho mẹ con bớt bệnh về nuôi con, để con học, đạt được ước nguyện của ba. - - Ba con muốn con học thật giỏi để sau này làm hướng dẫn viên du lịch, con còn nhớ hồi con đi thi học sinh giỏi  cấp trường, tả về người thân, con tả về ba được 8 điểm. 
- Con đi học con thấy thiếu một cái gì đó. Ba không ở gần bên con nữa.
- Con nghĩ ra là gia đình mình sẽ hạnh phúc mãi mãi. Tuy có nghèo có khổ đến mấy gia đình mình cũng hạnh phúc. Con không cần giàu sang.
 
ket-noi-nhung-tam-long-so-82
Ngày 5/3/2013, Anh Nguyễn Trọng Thành-Phó phòng KHKD Công ty Sữa Đậu Nành Việt Nam – VinaSoy trao quà cho gia đình em Tuyết Trinh
 
Tuyết Trinh đang học lớp 5, em hiện là Liên Đội phó của Trường tiều học số 2 Tịnh Hà và là một học sinh giỏi. Hoàn cảnh nghiệt ngã của gia đình đang rất ảnh hưởng đến cô bé có tâm hồn trong sáng và nhạy cảm này.
 

KNNTL - Số 81 - Ông Lê Mỹ Thông - Ngày 20/2/2013

Ở thôn Dương Quang, xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, gia đình ông Lê Mỹ Thông đang lâm vào cảnh khó khăn. Vợ chồng ông Thông làm ruộng quần quật quanh năm chỉ đủ ăn và lo cho 4 đứa con đi học. Tháng 7 năm ngoái, ông Thông mắc bệnh ung thư hạch di căn, kinh tế gia đình rơi cảnh ngặt nghèo. 2 đứa con nghỉ học giữa chừng đi làm thuê. Đứa con đầu học xong Đại học không xin được việc đúng ngành nghề, đành cũng đi làm công nhân để kiếm tiền nuôi cha. Vợ chồng ông Thông còn nuôi dưỡng mẹ già gần 80 tuổi, bị mù hơn 20 năm.
Bệnh đã râm ran trong người mấy năm nay, nhưng nghèo túng và tiết kiệm tiền lo con ăn học nên ông không đi khám. Cứ tưởng bệnh bao tử, ông Thông chỉ điều trị tại nhà bằng các loại thuốc rẻ tiền. Nghe người ta giới thiệu cây lá gì cũng tìm kiếm mà sắc uống. Bệnh nặng dần. Có bệnh thì vái tứ phương trong cảnh nghèo túng. Đến khi khối u ác tính bùng phát, ông Thông mới biết mình bị ung thư hạch. 
Khối u hiện giờ đã di căn. Ông Thông là trụ cột trong nhà, giờ không thể lao động, mọi việc trong nhà, ngoài đồng đều dồn hết cho vợ. Đất cát bạc màu chỉ trồng trọt được vụ Đông Xuân. Làm một mình, bà Nga cũng phải ráng. Ở vùng này, thu nhập nhà nông chỉ nhờ vào vài sào hoa màu phụ.
Mới 46 tuổi mà ông Thông đành bất lực nhìn vợ con vất vả tối mặt và cả gia đình đang rơi cảnh ngặt nghèo. Cho con ăn học để mong đến sự đổi đời, nhưng thật oái ăm, ngược lại, hiện giờ thì con cái đành nghỉ học để làm lụng kiếm tiền chữa bệnh cho cha. 
 
bi thu doan thanh nien cong ty vinasoy tham va tang 10 trieu dong cho gia dinh anh Thong
 
Ngày 25/02/2013, Anh Trương Văn Trung – Bí thư Đoàn thanh niên Công ty Sữa đậu nành VinaSoy thăm và trao tặng 10 triệu đồng cho gia đình anh Thông
 
Ông Thông bị bệnh đã hơn 5 tháng, nội việc lo thuốc nam và thuốc giảm đau điều trị tại nhà, bà Nga đã thấy túng quẫn, giờ tính đến việc đưa chồng đi phẫu thuật, gánh nặng bà Nga chưa biết xoay xở bằng cách nào.
Bệnh của ông Thông mỗi ngày thêm nặng. Khoản nợ 16 triệu đồng vay của Ngân hàng chính sách xã hội cho đứa con đầu học đại học đến kì phải trả. Mọi thứ rối rắm nợ nần, bệnh tật đang đang như mối to vò không lần được mối gỡ đối với gia đình ông Lê Mỹ Thông
 

TRAO 10.000.000 ĐỒNG TỪ “QUỸ VÌ NGƯỜI NGHÈO” CHO BÀ NGUYỄN THỊ BẢY

Chiều ngày 08/01/2013, thay mặt Ban Thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ông Lê Văn Sáu – Phó Chủ tịch, ông Nguyễn Trọng Thành – Trưởng phòng Makerting Công ty sữa đậu nành Việt Nam - Vinasoy, cùng lãnh đạo địa phương huyện Nghĩa Hành đã đến thăm và trao 10.000.000 đồng cho gia đình bà Nguyễn Thị Bảy, là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ở thôn Tình Phú Bắc, xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành. Số tiền này do Công ty Sữa đậu nành Việt Nam – Vinasoy tài trợ thông qua “Quỹ vì người nghèo” tỉnh. Ngoài ra gia đình bà Bảy còn nhận được 4.850.000 đồng tiền mặt, 1 thùng mỳ tôm, 30 kg gạo, một thùng sữa vinamik do chị em tiểu thương buôn bán tại chợ Thị trấn Chợ Chùa trao tặng.

Description: http://ubmttq.quangngai.org.vn/items/images/img_541.JPG

Ông Nguyễn Trọng Thành – Đại diện đơn vị tài trợ trao biển tượng trưng 10.000.000 đồng cho gia đình bà Bảy.

Bà Bảy từng là thanh niên xung phong thời chống Mỹ. Bà có chồng con, nhưng cuộc sống gia đình không êm ấm, bà dắt con lên thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng để mưu sinh. Hơn 12 năm ở thị xã Bảo Lộc, 3 mẹ con bà Bảy ở nhà thuê và đi làm mướn sống qua ngày. Bi kịch gia đình xảy ra cách đây 5 năm, trong một lần đi phụ hồ, bà Bảy bị gạch rơi vào đầu. Dù được cứu sống, nhưng vẫn để lại di chứng suốt đời. Tai nạn đã khiến gia đình bà càng thêm khó khăn, đã vậy, mấy năm nay bà Bảy lại mắc thêm bệnh suy thận và gan nhiễm mỡ. Đến lúc không thể bám trụ được nữa, giữa năm 2012, mấy mẹ con bà Bảy đành rời Bảo Lộc về xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành sống nhờ ở nhà người chị.

Cũng trong dịp này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chuyển tặng số tiền 5.150.000 đồng do khán giả xem truyền hình hỗ trợ cho gia đình ông Nguyễn Viết ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành là nhân vật đã được phản ảnh trong chuyên mục “Kết nối những tấm lòng” số 61 do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Đài Phát thành – Truyền hình tỉnh phối hợp thực hiện

Trang